Thầy giáo Nguyễn Minh Tuấn (giáo viên Trường THCS Hiếu Phụng, huyện Vĩnh Liêm, tỉnh Vĩnh Long) tham gia cuộc thi Diễn đàn Giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT (E2) năm 2019. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Nhiều người nhận xét rằng có một bộ phận giáo viên không nhỏ hiện nay đang quá ì ạch, không chịu học hỏi, tìm tòi để đáp ứng những yêu cầu mới của giáo dục hiện đại. Đặc biệt là những giáo viên ở khu vực nông thôn – những người không có nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ, với những phương pháp giảng dạy mới và với chính những yêu cầu ngày một cao hơn của phụ huynh.
Bộ phận giáo viên ấy chắc chắn không có thầy giáo Nguyễn Minh Tuấn – giáo viên Trường THCS Hiếu Phụng, huyện Vĩnh Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Ngôi trường thầy Tuấn gắn bó 17 năm nay có thể gọi là “trường làng” chính hiệu -khi thầy bước chân về chỉ có 1 chiếc máy tính nhưng chẳng ai biết dùng.
Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điện, thầy giáo sinh năm 1982 “ban đầu không tính làm giáo viên”. Tuổi trẻ chỉ muốn bay nhảy ra thành phố, nhưng gia đình có truyền thống theo nghề giáo đã thuyết phục anh dạy thử một năm, nếu không thích thì làm việc khác.
“Sau 1 năm, mình thấy học trò gần gũi, dễ thương quá. Càng dạy lại càng thấy đam mê”.
Những năm đầu, thầy Tuấn được phân công dạy môn Công nghệ. Sau đó, vì đam mê công nghệ thông tin (CNTT), anh xin đi học văn bằng 2 ngành Sư phạm Tin học và về trường dạy môn học này từ năm 2008 đến nay.
Với môn Tin học ở một vùng quê nghèo, thầy giáo trường làng hoàn toàn có thể an phận như nhiều đồng nghiệp khác – dạy hết tiết thì về. Nhưng chỉ vì 2 chữ được thầy nhắc đến nhiều lần trong cuộc trò chuyện: đam mê, mà sau 10 năm đứng lớp môn Tin học cộng với nền tảng công nghệ vốn có, thầy Tuấn gặt hái được những thành công mà không phải thầy cô ở một ngôi trường “rất bình thường” nào cũng có được.
Dạy những thứ không ai dạy
Thành công lớn nhất của thầy có lẽ không phải là có học sinh đạt những giải thưởng cấp tỉnh, cấp quốc gia, mà là sự ghi nhận của chính các đồng nghiệp.
Tại vòng chung kết cuộc thi Diễn đàn Giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT (E2) năm 2019 được tổ chức mới đây ở Hà Nội, những đồng nghiệp ở các tỉnh khác - những người cùng tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo với thầy đã có những lời nhận xét “có cánh” dành cho người thầy giáo này. Sản phẩm mà thầy mang đến hội thi cũng nhận được sự đánh giá cao từ ban giám khảo, đồng nghiệp.
Nhớ về những ngày đầu vào nghề, thầy Tuấn kể: Năm 2002, trường nào cũng được cấp một chiếc máy tính nhưng các thầy cô trong trường từ trước tới giờ không dùng máy tính, cấp về không ai biết sử dụng. “Mình mày mò sử dụng, các thầy cô nhờ gì làm đó. Dần dần thấy đam mê, ai mở lớp học gì mình cũng đăng ký học, lên tận trên thành phố cũng đi”.
Rồi từ đó tới cuối năm 2016, khi tìm kiếm thông tin trên mạng, anh tình cờ thấy các khoá học hay của Microsoft dành cho giáo viên. “Tự mò vào học, toàn tiếng Anh không, đọc không hiểu gì hết” – thầy Tuấn thật thà chia sẻ.
“Không hiểu chỗ nào, mình lại tra từ điển chỗ đó. Nhiều khi bật hẳn 2 máy cùng lúc để tra từ. Dần dần cũng quen, tiếng Anh khá hơn. Rồi mày mò tới trang Facebook của cộng đồng, biết tới nhiều thầy cô khác cũng đang tìm tòi đổi mới như mình. Mọi người cùng giúp đỡ, chia sẻ kiến thức cho nhau”.
“Khi mình thay đổi cách dạy, đưa CNTT vào tiết học, học trò rất thích. Ban đầu các em thích vì lạ, rồi sau đó say mê thực sự. Các em được học những ngôn ngữ lập trình hiện đại không nằm trong sách giáo khoa. Ở nông thôn, những kiến thức về lập trình Microbit, lập trình Scratch, học qua Skype… không ai biết là gì, không có trường nào dạy cả”.
Thầy chọn những học trò có đam mê để dạy các em, thầy trò cùng tìm hiểu.
Thầy Tuấn và học trò trong giờ học Tin học ở phòng máy. Ảnh: NVCC |
Học trường làng, ban đầu học trò của thầy Tuấn có nhiều tự ti, mặc cảm. Nhưng thầy động viên: “Thi cử không phải lúc nào mình cũng thua”. Ôn luyện, khăn gói đi thi 1-2 năm, 3-4 năm, cũng đến lúc thầy trò gặt hái kết quả. Trường THCS Hiếu Phụng đã có học sinh đạt giải cấp quốc gia, nhất nhì cấp tỉnh cuộc thi Sáng tạo Tin học trẻ, giải nhất cuộc thi lập trình do Microsoft tổ chức…
Không chỉ dẫn dắt học trò tìm kiếm những kiến thức mới, thầy Tuấn còn là người “phụ đạo” kỹ năng CNTT cho các đồng nghiệp trong trường. Đến nay, thầy tự hào trường mình là một trong những trường có giáo viên đạt kỹ năng CNTT tốt nhất huyện với 3 năm đứng đầu về kỹ năng soạn bài giảng e-learning.
'Thầy cũng không biết đáp án'
Trong suốt nhiều năm đứng lớp, nói về kỷ niệm, thầy Tuấn vẫn nhớ về cậu học trò ham chơi. “Năm đó, mình hỏi có em nào thích Tin học thì tham gia lớp bồi dưỡng thi Tin học trẻ để làm quen. Nhóm 6 em thì có một em cứ vào phòng máy là chơi game”.
“Cái mặt ‘nó’ như nhiều giáo viên nói là nhòm là không muốn dạy” – thầy Tuấn bật cười khi kể lại. “Em rất cá tính”.
“Thấy em chơi game hoài, mình mới cho bài tập, nói em nào xong sớm muốn làm gì thì làm. Em làm rất tốt, nhìn bài làm là thích rồi. Như đã hứa, làm xong cho em chơi. Nhưng dần dần mình tăng độ khó lên. Trước, một buổi học 2 tiếng, em chơi được hơn 1 tiếng, sau thời gian chơi của em còn có 10 phút. Năm đó, đi thi em đạt giải Nhất tỉnh”.
“Em cũng thể hiện rõ đam mê Tin học, thích làm phần mềm, thích ‘hack’ máy. Mình nói ‘em ráng học làm phần mềm đi, thầy sẽ cho em một bộ tài liệu làm hết được mấy thứ đó’. Em khoái lắm và đồng ý. Năm đó, em lại giành nhất bảng”.
Rồi tới hè, 2 thầy trò lại ôn thi toàn quốc. Thầy bối rối không biết dạy học trò ra sao, vì trước nay không có ai thi tới toàn quốc.
“Rồi cứ lên mạng tìm tài liệu về học, nhưng trên mạng lại không có đáp án. Cái nào mình biết thì mình giảng. Cái nào mình không làm được mình cũng gửi cho em làm. Gần tới ngày thi, em hỏi ‘mấy bài em làm dang dở đó giải sao thầy?’. Thầy bảo, ‘để đó chừng nào thi thầy chỉ cho’. Tới ngày đi thi nó lại hỏi, mình bảo ‘thầy nói thiệt, thầy tải trên mạng về, thầy cũng chưa giải được’. Hai thầy trò cùng cười. Năm đó, em đạt giải Khuyến khích quốc gia cuộc thi Tin học trẻ” – thầy Tuấn tâm sự về hành trình lều chõng cùng cậu học trò đặc biệt.
Thầy khoe, cậu học trò này sau đó đỗ vào lớp chuyên Lý của trường chuyên duy nhất của tỉnh – việc mà rất hiếm hoi mới có học trò trường làng làm được. Và hiện giờ cậu đang nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Tin học của trường chuyên này.
Không phải lúc nào cố gắng cũng được ghi nhận
Thầy Tuấn và học trò. Ảnh: NVCC |
Nói về đổi mới, thầy Tuấn chia sẻ, dù đổi mới thế nào thì mục tiêu cũng là dạy sao cho học trò hiểu, dạy sao để học trò phát huy được sự sáng tạo của mình. Như thế là thành công.
“Đổi mới bằng dạy học qua Skype, bằng e-learning… thì cũng phải hướng tới hiệu quả. Mình không ủng hộ việc lạm dụng công nghệ mà bỏ qua tính hiệu quả. Không phải bài học nào cũng cần dạy máy chiếu, học qua Skype. CNTT rất có lợi thế, nhưng phương pháp truyền thống cũng có ưu điểm của nó”.
Nhìn vào những thành quả hiện tại, thầy Tuấn nói, mình làm vì đam mê, sự ghi nhận chỉ là động lực để làm tốt hơn nữa. “Không phải lúc nào mình cố gắng cũng đều được ghi nhận. Suốt bao nhiêu năm ôn luyện cho học trò đi thi, không có giải gì thì thầy trò lại lủi thủi đi về. Làm thế nào để mình nỗ lực hết mình đã là thành công rồi”.
Khi được hỏi động lực nào giúp thầy làm được nhiều việc như vậy, thầy Tuấn chỉ nói: “Đam mê quyết định được nhiều thứ... Nhiều khi học hành, làm bài thức đêm thức hôm, bị vợ la ôm máy tối ngày” – thầy giáo làng cười sảng khoái chia sẻ.
Niềm vui và nỗi buồn
Niềm vui lớn của thầy Tuấn bây giờ là môn Tin học không còn bị “kỳ thị” như ngày xưa nữa.
“Có khi mình dặn học sinh xuống phòng máy ôn thi thì thầy chủ nhiệm dặn các em không được xuống, sợ học Tin học ảnh hưởng tới các môn học khác hoặc các cuộc thi khác quan trọng hơn. Không ít lần đang ôn thi cho học trò thì bị giáo viên các môn khác ‘cướp’ mất. Chỉ cần giáo viên môn chính lên tiếng thôi là học sinh sẽ nghỉ, hoặc giáo viên trao đổi với phụ huynh thì phụ huynh sẽ yêu cầu con thi các môn kia. Nhiều cái nản khủng khiếp!”
Nhưng đó là chuyện của những năm trước. Bây giờ, đã có những phụ huynh gọi tới nhờ thầy dạy thêm cho con môn Tin học. Nói thế để thấy tư duy của phụ huynh đã thay đổi rất nhiều đối với môn học này. Đó là niềm vui lớn của những giáo viên như thầy Tuấn.
Nhưng thầy vẫn còn “nỗi buồn” khi nói đến chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây.
“Trước kia môn Tin học được xếp vào môn tự chọn, nhưng 7 năm gần đây, hầu như trường nào cũng coi nó là môn học bắt buộc. Mỗi năm có 75 tiết học, trung bình mỗi tuần 2 tiết. Nhưng nay theo chương trình mới, nói là tăng cường kỹ năng CNTT, môn Tin học được đưa lên làm môn bắt buộc nhưng lại chỉ còn 35 tiết/ năm – nghĩa là mỗi tuần 1 tiết với cấp THCS. Mỗi tuần 1 tiết thì rất khó để làm được gì. Mình rất trăn trở điều đó”.
Nguyễn Thảo
Thầy giáo "đại ca" không để học sinh nào phải… ngủ lại phía sau
Gần gũi, tâm sự và bày ra nhiều hoạt động tạo hứng khởi, thầy giáo Phạm Thế Mạnh được học sinh quý mến gọi là “bố”, “mẹ”, thậm chí với cả biệt danh “đại ca”…