Mới đây, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDDT quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó nêu rõ:
- Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh mình đang được phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài trường.
Ngoài ra, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường nếu được triển khai không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho một số đối tượng học sinh (theo quy định) đăng ký học thêm theo từng môn học.
Liên quan đến những quy định về việc dạy thêm, học thêm trong thông tư vừa được Bộ GD-ĐT ban hành; thầy giáo Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, cho rằng Bộ GD-ĐT cũng như xã hội cần thẳng thẳn nhìn nhận và trả lời thực sự bản chất những câu hỏi:
- Nhu cầu học thêm tự nguyện hiện nay chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số học sinh của mỗi nhà trường?
- Liệu có đủ trung tâm dạy thêm ở tất cả các vùng miền như miền núi, nông thôn, kể cả thành phố cho học sinh học hay không?
- Nếu so sánh về cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình, công tác quản lý, cam kết chất lượng, thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm ở trường và trung tâm; việc học thêm ở các nhà trường hay trung tâm hợp lý và khả thi hơn?
- Bộ GD-ĐT có nghĩ đến tình huống, các bậc phụ huynh đi làm cả ngày, đi làm xa, đi lao động nước ngoài... học sinh không có chỗ đi học hoặc không đủ điều kiện để đi học trung tâm... việc quản lý các em khi ở nhà thật sự “đau đầu” ra sao với phụ huynh?
- Học phí của việc học thêm ở trung tâm và nhà trường thế nào?
- Các trung tâm có miễn học phí học cho học sinh con hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn... như các nhà trường hay không? Chưa kể, ngoài việc dạy thêm với đối tượng là chính các học sinh của mình, chắc chắn về trách nhiệm, giáo dục đạo đức, chất lượng đạt được của học sinh cũng là một trong những điều giáo viên và các nhà trường trăn trở để thêm phần chăm lo cho các em.
Thầy Hiếu cho hay, những ngày qua, ông đã thu nhận, đọc, đã lắng nghe và gắng thấu hiểu rất nhiều ý kiến phản biện của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh có con em đang học các lớp cuối cấp (lớp 5; 9; 12).
“Tựu trung lại có 3 nhóm chịu tác động: hiệu trưởng, giáo viên các trường thì chán nản; phụ huynh hoang mang; học sinh lo lắng. Thông tư 29 có thể là 1 văn bản nhân văn về mặt lý thuyết, lý luận nhưng có lẽ khá xa rời với thực tiễn giáo dục ở một số nội dung cơ bản”, thầy Hiếu chia sẻ.
“Theo quan điểm của tôi, nếu đã cấm chuyện học thêm, dạy thêm hãy làm triệt để, cấm cả trong trường lẫn ngoài trường ở tất cả các địa phương. Có như vậy, ngành giáo dục mới thật sự khách quan, công bằng, sòng phẳng, hướng tới một nền giáo dục dạy thật, học thật”.
Thầy giáo Nghệ An bày tỏ mong mỏi Bộ GD-ĐT xem xét lại thông tư này, lắng nghe những quan điểm phản biện trách nhiệm, thiện chí của đội ngũ nhà giáo.
“Theo kế hoạch, Thông tư 29 sẽ có hiệu lực từ ngày 14/2/2025; như vậy, Bộ GD-ĐT vẫn có thể kịp sửa đổi một số nội dung, để khi triển khai vào cuộc sống sẽ khả thi, thuyết phục hơn và hiệu quả hơn”, thầy Hiếu nói.