Thầy giáo sẵn sàng cho học sinh điểm 10 và trao cơ hội “làm lại”

Sinh năm 1987, thầy giáo Vũ Nguyễn Sơn Tùng từng là cựu học sinh khối chuyên A0 – Tổng hợp. Đỗ vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, đến kỳ II năm Nhất, anh giành được học bổng du học toàn phần tại Liên bang Nga.

“Điều khiến tôi luôn ấn tượng khi còn học tập tại Nga là sự gần gũi của giáo viên. Đó đều là những người thầy tuyệt vời, tận tâm và luôn sẵn sàng giúp đỡ sinh viên. Vì thế, tôi luôn mang khát khao mình cũng trở thành người thầy “thắp lửa” cho sinh viên như thế”, thầy Tùng chia sẻ.

{keywords}

Anh Vũ Nguyễn Sơn Tùng hiện là giảng viên tại tổ bộ môn Phương trình vi phân và hệ động lực, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).

{keywords}

Nhiều sinh viên "phát cuồng" vì thầy giáo vừa đẹp trai, vừa tâm lý

Sau khi hoàn thành thời gian làm nghiên cứu sinh tại ĐH Sư phạm Quốc gia Moskva và ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva, thầy Tùng trở về công tác tại khoa Toán cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), là giảng viên tại tổ bộ môn Phương trình vi phân và hệ động lực.

Nắm bắt được tâm lý của sinh viên, vì thế, ưu tiên hàng đầu trong mỗi tiết dạy của thầy giáo 8X là tạo được sự thoải mái, hứng thú trong mỗi tiết học.

“Tôi bị ảnh hưởng sâu sắc từ những người thầy của mình. Họ đứng trên giảng đường rất tận tâm, giảng bài say mê giống như thể đang biểu diễn một tiết mục nghệ thuật nào đó. Sinh viên chúng tôi cũng bị lôi cuốn vào trong bài giảng ấy.

Bởi vậy, khi đi dạy, tôi cũng luôn muốn trong mỗi tiết dạy của mình, mọi cảm xúc tiêu cực đều phải được gạt bỏ ở phía bên ngoài cửa lớp. Bước vào giờ học, cả thầy và trò đều được toàn tâm, toàn ý với bài giảng”.

{keywords}

Thầy Tùng từng tham gia công tác đoàn, hội sinh viên với vai trò Bí thư chi đoàn, Trưởng đơn vị lưu học sinh tại ĐH Sư phạm Quốc gia Moskva.

Do đó, trong các tiết học của thầy Tùng, sinh viên được thoải mái trao đổi ý kiến. Thầy giáo chỉ đóng vai trò là người gợi mở vấn đề, cố gắng đặt ra thật nhiều câu hỏi để sinh viên có cơ hội thể hiện mình. Thầy giáo 8X còn khuyến khích từng sinh viên trong lớp tích cực lên bảng làm bài.

“Các em không nhất thiết phải làm đúng. Chỉ cần sẵn sàng tham gia vào bài giảng với sự cầu thị, mình sẵn sàng trao thêm những cơ hội để các em sửa sai”.

Thậm chí, thầy giáo trẻ còn không ngần ngại cho sinh viên điểm tối đa, chỉ cần học trò cho giáo viên thấy bản thân luôn cố gắng và cầu tiến.

Nỗ lực xóa nhòa khoảng cách thầy - trò

Theo thầy Tùng, khoảng cách giữa giáo viên và học trò cũng là rào cản khiến hiệu quả của tiết học giảm sút. 

“Điều này cực kỳ quan trọng. Trước đây, tôi có một người thầy rất gần gũi, không khách sáo hay có thái độ bề trên với sinh viên. Cứ thấy học trò đang đá bóng, thầy từ đâu lại chạy đến xin cho đá cùng. Thầy cũng ở luôn trong khu ký túc cùng với sinh viên. Vì thế, ai cũng cảm thấy người thầy này thật gần gũi.

Tôi còn nhớ có lần tình cờ gặp thầy với vẻ mặt rất đau buồn. Ngồi nói chuyện, hóa ra thầy đang dằn vặt vì thầy hướng dẫn của thầy vừa mất. Trước đó, cả hai người đã có khoảng thời gian khúc mắc dù họ vẫn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp. Khi mâu thuẫn chưa được giải tỏa thì người thầy ấy đã ra đi.

Thầy tôi vốn là người mạnh mẽ, trên giảng đường có thể thao thao bất tuyệt, nhưng vẫn có những giây phút yếu lòng, thậm chí không ngần ngại khóc trước mặt học trò.

Sự gần gũi, coi sinh viên là bạn khiến khoảng cách giữa chúng tôi và thầy như được xóa nhòa. Đến bây giờ, người thầy ấy vẫn để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Chúng tôi cũng luôn dành những sự tôn kính nhất đến thầy”.

{keywords}

Anh Tùng cùng thầy hướng dẫn khoa học khi còn học tập tại Nga

Cho đến khi trở thành giảng viên, thầy giáo trẻ luôn tìm cách đồng hành cùng sinh viên, không chỉ trong học tập, nghiên cứu mà cả trong cuộc sống.

“Nhiều thầy cô mải tập trung đến kiến thức chuyên môn mà quên đi cảm xúc, suy nghĩ của học trò. Đôi khi, điều đó lại khiến các tiết học trở nên khô cứng. Học sinh cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Bản thân giáo viên cũng thấy thất vọng và chán nản.

Tôi vẫn mong mình có thể tiếp cận sinh viên như những người bạn, để sau này khi đã ra trường, mình vẫn là người ghi lại dấu ấn trong suy nghĩ và trái tim học trò”.

{keywords}

Thời gian qua, nhận được nhiều sự quan tâm của sinh viên, với thầy Tùng, đó là niềm vui nhưng cũng là một trọng trách rất lớn. 

"Mình phải làm sao để xuất hiện trước sinh viên luôn tràn đầy năng lượng và rạng rỡ. Khoảng cách giữa thầy cô và học trò cần được thu hẹp, nhưng cũng không nên thái quá. Điều quan trọng nhất là khiến học trò cảm thấy thoải mái, say mê, có tinh thần tự giác và thái độ học tập tích cực,... khi ấy, giờ học mới thực sự hiệu quả".

Thầy Vũ Nguyễn Sơn Tùng từng có thời gian học tập tại Liên bang Nga, tham gia công tác đoàn, hội sinh viên với vai trò Bí thư chi đoàn, Trưởng đơn vị lưu học sinh tại ĐH Sư phạm Quốc gia Moskva.

Anh đã công bố 17 công trình nghiên cứu khoa học, bao gồm các bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế và các ấn phẩm chuyên ngành; tham dự và đọc báo cáo tại 14 hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Thúy Nga

Lời hứa của tân hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên

Lời hứa của tân hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên

 - "Niềm vui của một cá nhân làm lãnh đạo, quản lý phải đồng nhất với niềm vui của tập thể" là tâm niệm của PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh khi được giao trọng trách Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.