Lời tòa soạn:

Dự thảo về dạy thêm, học thêm được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến đến hết 22/10 làm dấy lên nhiều tranh cãi và câu hỏi, đặc biệt về nội dung không cấm giáo viên được dạy thêm ngoài trường. Quy định mới này có thể mang đến những thay đổi đáng kể cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, liệu nó sẽ góp phần cải thiện chất lượng giáo dục hay có thể tạo thêm những thách thức mới?

VietNamNet mở diễn đàn Góp ý cho Dự thảo về Dạy thêm học thêm, để lắng nghe và chia sẻ ý kiến từ mọi góc nhìn. Chúng tôi mời các thầy cô, phụ huynh, học sinh và những người quan tâm đến giáo dục tham gia viết bài, chia sẻ quan điểm và đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng.

Bài viết dưới đây là ý kiến của thầy Quang Minh - một giáo viên dạy Ngữ văn bậc THCS tại Nha Trang (Khánh Hòa) về quy định này. Thầy Minh đang dạy thêm và cũng tham gia vào công tác thanh, kiểm tra trong nhà trường. 

Xưa nay, trong suy nghĩ của phụ huynh, dạy thêm, học thêm là một vấn đề không mới, nhưng rất nóng. Còn dưới góc nhìn của giáo viên như chúng tôi, đây lại là việc tế nhị, chỉ cần dùng từ ngữ không khéo cũng khiến phụ huynh nghĩ sai về mình.

Bản thân là một giáo viên bậc THCS, tôi hoàn toàn tán thành với phát biểu của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) khi cho rằng dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực, chính đáng và Bộ GD-ĐT ra quy định để quản lý việc đó.

'Bài toán kinh tế' mang tên dạy thêm, học thêm
Bản chất của sự "xung đột" giữa một bên ủng hộ và một bên phản đối dạy thêm ở ngoài nhà trường, không chỉ là vấn đề quá tải thời gian học tập của các con; tâm lý sợ bị "đì" nếu không theo học; giáo viên ôn luyện kỹ đề kiểm tra trên lớp... mà còn do nỗi lo tài chính. Mức học phí được xem là một "áp lực vô hình" đè nặng lên vai nhiều phụ huynh.

Ngay tại trường tôi đang công tác, cùng một bộ môn Ngữ văn, mức thu dạy thêm trong nhà trường được quy định là 190.000 đồng/môn/tháng. Nhưng có giáo viên dạy thêm ở nhà lại thu 300.000 đồng/tháng (2 buổi/tuần). Còn lớp 9, do đặc thù ôn thi vào lớp 10 nên có người dạy thêm 3 buổi/tuần thu ở mức cao, dao động 700.000 - 800.000 đồng/tháng. Chưa kể những "lò" luyện thi, dạy kèm học sinh có thể thu từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng/học sinh/tháng.

Chính điều này đã khiến phụ huynh bức xúc vì mức thu quá cao so với thu nhập trung bình của họ, nhất là những phụ huynh làm ngư dân hoặc công nhân. Họ không thể xoay sở vài triệu đồng cho con học thêm (chủ yếu Toán, Văn, Anh văn) mỗi tháng. Ngay cả giáo viên với nhau cũng đã bất đồng ý kiến hay xung đột giữa mức thu trong và ngoài nhà trường.

Một "lỗ hổng" trong Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm đang áp dụng được các giáo viên khai thác triệt để nhằm "gom" học sinh trên trường về nhà dạy là việc cho phép thành lập các trung tâm gia sư, các lớp năng khiếu ngoài nhà trường. Họ sẽ "hô biến" những bộ hồ sơ, đơn đăng kí tham gia học, chương trình giảng dạy, mức thu học phí trên giấy tờ để "đối phó" khi bị thanh, kiểm tra tại trung tâm.

Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm mới sẽ sát với thực tế, tránh sự luồn lách của giáo viên và tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo cơ chế giám sát toàn dân về vấn đề này.

Giám sát chương trình dạy thêm ngoài nhà trường
Hiện nay, Chương trình GDPT 2018 đã đáp ứng đủ những nội dung, yêu cầu cần đạt các môn học trong chương trình, cũng như phát huy được phẩm chất và năng lực cần có của người học. Tuy nhiên, để ôn luyện chuyên sâu và nâng cao, việc học thêm sẽ giúp cho học sinh phát triển, tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mà thời gian trên lớp chưa làm được.

Thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng giáo viên dạy bớt, cắt xén chương trình trên lớp hay dạy trước kiến thức bài mới cho học sinh để "đốt cháy giai đoạn", dành thời gian chủ yếu cho việc ôn tập, luyện thi, giải đề. Điều này là sai quy định và có thể khiến giáo viên phải ngừng việc dạy thêm nếu bị lập biên bản.

Để giám sát, kiểm tra tiến độ và mức độ dạy thêm, phó hiệu trưởng chuyên môn có thể thu vở ghi hoặc tài liệu ôn tập của học sinh để đối chiếu với kế hoạch chương trình dạy thêm đăng ký ban đầu và phân phối chương trình được tổ chuyên môn xây dựng từ đầu năm học để xem tính chuẩn xác và tiến độ giảng dạy của giáo viên đó.

Dự thảo lần này cũng nêu rõ: “Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh”, tránh hiện tượng tiêu cực là học sinh nào học thêm thì có điểm cao trong bài kiểm tra, đánh giá và ngược lại.

Đơn cử như trong môn Ngữ văn, quy định mới là đề kiểm tra không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Như vậy, giáo viên sẽ phải có giáo án/kế hoạch bài dạy với nhiều bộ đề khác nhau để dạy thêm. Tổ trưởng chuyên môn hoặc nhóm trưởng bộ môn có thể kiểm tra trực tiếp để đối chiếu, so sánh ngữ liệu mà giáo viên đó dùng khi dạy thêm và khi đưa đề xuất về đề kiểm tra.

Trước mỗi bài kiểm tra giữa học kỳ hay cuối kỳ, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn hoặc tổ trưởng chuyên môn có thể bốc thăm các đề nộp về để chọn ra đề chính thức. Bộ phận chuyên môn cũng có thể tạo ra một đề mới hoặc sử dụng một đề bất kỳ trong kho đề của các năm trước để cho học sinh làm.

Khi tăng cường theo dõi và giám sát việc giảng dạy, ôn tập của học sinh trong các lớp học thêm, giáo viên dạy thêm sẽ không dám "ôn tủ" đề cho học sinh lớp mình. Thay vào đó, họ sẽ sử dụng đa dạng nguồn tài liệu ôn tập, rèn kỹ năng giải đề cho học sinh từ cơ bản đến chuyên sâu.

Tăng cường vai trò quản lý của ban giám hiệu
Vai trò của ban giám hiệu nhà trường, nhất là của hiệu trưởng trong việc quản lý dạy thêm, học thêm ngoài trường rất quan trọng và không thể thay thế. Là người đứng đầu và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý về chất lượng dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, hiệu trưởng cần nắm bắt tình hình và xử lý theo đúng quy định khi có những sự việc phát sinh.

Cụ thể, theo quy định, giáo viên dạy thêm phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết hoàn thành nhiệm vụ được giao, không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm. So với thông tư hiện hành, hiệu trưởng được trao quyền nhiều hơn trong việc giám sát, quản lý việc giáo viên trường mình dạy thêm bên ngoài.

Hiệu trưởng có thể kết hợp với tổ dân phố, thanh tra nhân dân nhà trường để trực tiếp xuống cơ sở dạy thêm kiểm tra hoặc phát phiếu khảo sát nhanh cho học sinh tham gia lớp học thêm để thu thập những thông tin cụ thể từ người học, đồng thời lắng nghe suy nghĩ, nguyện vọng chính đáng của các em.

Người đứng đầu nhà trường cũng có thể công bố số điện thoại, email... trên bảng thông báo trước cổng trường, website nhà trường để phụ huynh biết và có thể phản ánh kịp thời nếu phát hiện sai phạm trong quá trình dạy thêm của giáo viên. Phải đảm bảo người phản ánh được bảo mật thông tin.

Thiết nghĩ, việc dạy thêm, học thêm là một nhu cầu chính đáng xuất phát từ phía người học lẫn người dạy. Trước nay, chúng ta cứ loay hoay tìm cách chỉ ra những lỗi sai, vi phạm của giáo viên; vô tình tạo áp lực không đáng có đến các bên liên quan; hoặc tác động tâm lý đến nhu cầu học tập, nâng cao tri thức của người học.

Với việc áp dụng những cách kiểm tra, giám sát chặt chẽ và phù hợp, dự thảo lần này khi được áp dụng vào thực tiễn sẽ "cởi trói" cho nhiều bên và tăng cường sự quản lý của các cấp với việc dạy thêm, học thêm.

Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: [email protected]. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!
Các nước quy định việc dạy thêm, học thêm như thế nào?

Các nước quy định việc dạy thêm, học thêm như thế nào?

Giáo viên hay các tổ chức cung cấp lớp học ngoài giờ phải đăng ký với cơ quan giáo dục địa phương, chương trình giảng dạy cần được báo cáo và chấp thuận, cơ sở hạ tầng, thời gian học và học phí được giới hạn và giám sát là một số quy định nổi bật.