Trước thềm năm học mới, vào cuối tháng 7 vừa qua,Bộ GD-ĐT có hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Nhiều điểm mới đã được đưa ra hướng đến việc phát huy sáng tạo, khắc phục tình trạng chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Trong đó, với yêu cầu về đổi mới cách đánh giá học sinh, theo Bộ GD-ĐT cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic.
Các nhà trường cần tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe...
Tuy nhiên, theo thầy giáo Hồ Tấn Nguyên Minh - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên - thì sự cần thiết đổi mới cách đánh giá không những chỉ ở trong trường phổ thông mà còn với cả kỳ thi học sinh giỏi văn các cấp.
Dưới đây, VietNamNet giới thiệu bài viết của thầy Hồ Tấn Nguyên Minh về vấn đề này.
"Những năm trở lại đây, tôi không mấy hứng thú khi đọc những đề thi học sinh giỏi văn bậc trung học phổ thông được các trường, các Sở GD-ĐT công bố rất nhiều trên các phương tiện truyền thông.
Ngay cả đề thi học sinh giỏi cấp quốc gia – kì thi được xem là dành cho đối tượng tinh hoa nhất của bộ môn ở bậc học này tôi cũng không thấy thích.
Không phải vì vấn đề đặt ra thiếu ý nghĩa. Cũng không phải lỗi kiến thức hay trình bày. Đề thi được làm rất kĩ lưỡng, chỉn chu, cẩn trọng, khó có thể bắt được lỗi gì. Vậy mà đọc đi đọc lại tôi vẫn không thấy hào hứng. Cảm giác như nó quen quá, an toàn quá, cũ kĩ quá đâm ra lại chán. Năm nào cũng như năm nào, đề nào cũng như đề nào, vẫn một “lối cũ ta về”, vẫn một con đường mòn quen thuộc, chẳng có gì mới, chẳng có gì khác.
Đề thi học sinh giỏi môn văn các cấp, từ cấp quốc gia cho đến tỉnh, huyện, trường… thường sẽ hỏi 2 câu: Câu nghị luận xã hội (8,0 điểm) và câu nghị luận văn học (12,0 điểm) với thời gian làm bài là 180 phút.
Đề thi ở nơi này, nơi kia có thể khác một chút ở câu lệnh: thay đổi một vài từ, đảo vị trí các cụm từ…, nhưng nhìn chung, câu nghị luận xã hội sẽ thường đưa ra một danh ngôn, một hiện tượng, một mẩu chuyện… yêu cầu học sinh viết bài văn để trình bày suy nghĩ, nêu quan điểm của mình. Ví dụ như đề thi dưới đây:
"“Không hiểu bằng cách nào, một hạt cát lọt được vào bên trong cơ thể một con trai. Vị khách không mời mà đến đó tuy rất nhỏ, nhưng gây rất nhiều khó chịu và đau đớn cho cơ thể mềm mại của con trai. Không thể tống hạt cát ra ngoài, cuối cùng con trai quyết định đối phó bằng cách tiết ra một chất dẻo bọc quanh hạt cát. Ngày qua ngày, con trai đã biến hạt cát gây ra những nỗi đau cho mình thành một viên ngọc trai lấp lánh tuyệt đẹp”.
Viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh/chị về mẩu chuyện trên.
Câu nghị luận văn học cũng thường sẽ cho một nhận định nào đó về văn học (thường là kiến thức lý luận văn học), yêu cầu học sinh bằng hiểu biết, trải nghiệm văn học của mình mà bình luận, thể hiện quan điểm.
Ví dụ như đề thi dưới đây:
"Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:
Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật
Một giọt mật thành, đòi vạn chuyến ong bay
Nay rừng nhãn non Đoài, mai vườn cam xứ Bắc,
Ngọt mật ở đồng bằng mà hút nhị tận miền Tây
Từ những trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy bình luận quan niệm trên".
Với những đề thi như đã dẫn trên đây, có thể nhận thấy vấn đề đặt ra rất giàu ý nghĩa. Tất cả mọi thứ đều chặt chẽ, logic, không có gì để bàn cãi. Đọc sơ qua các câu lệnh: “trình bày suy nghĩ”, “ bình luận”, “bày tỏ quan điểm”… dễ có cảm nhận rằng cách hỏi khá cởi mở, tạo điều kiện tốt để người viết thể hiện suy nghĩ riêng, quan điểm riêng của mình. Thế nhưng, kì thực lại không phải như vậy.
Đọc hầu hết các đề thi học sinh giỏi văn, dễ dàng nhận ra những nhận định, ý kiến, vấn đề đặt ra trong đề thường là vấn đề đúng, là chân lý bất di bất dịch, không còn gì để hoài nghi hay bàn cãi. Yêu cầu học sinh bàn về những vấn đề như vậy thì việc nêu quan điểm hay trình bày suy nghĩ của các em bất quá cũng chỉ là làm sao để khẳng định vấn đề, chỉ ra rằng vấn đề ấy là đúng, là thuyết phục, đúng chỗ nào, thuyết phục chỗ nào mà thôi.
Các em sẽ khó có thể nào bày tỏ quan điểm riêng, suy nghĩ khác; khó có điều kiện thể hiện tiếng nói phản biện hay quan điểm trái chiều. Cá tính sáng tạo, tiếng nói bản thể của các em vì thế cũng sẽ khó có thể thăng hoa trong bài văn. Tiếng nói phản biện nếu có trong những đề văn dạng này cũng thường khá gượng gạo, chiếu lệ theo kiểu “tự do trong khuôn khổ” như: “Lòng khoan dung là một phẩm chất cao quý nhưng nếu khoan dung sai đối tượng thì sẽ nguy hiểm khôn lường” hay “Sự thay đổi là điều cần thiết nhưng thay đổi xoành xoạch theo kiểu đẽo cày giữa đường thì lại vô cùng nguy hiểm”.
Chính vì vậy mà từ suy nghĩ của riêng mình, tôi cho rằng muốn tuyển chọn được những học sinh giỏi văn thực sự có cá tính sáng tạo, có suy nghĩ độc lập để sau này, rất có thể các em sẽ trở thành những nhà lý luận, nhà phê bình, nhà giáo… có tư tưởng thì ngay từ bây giờ, trong cách ra đề thi học sinh giỏi văn, chúng ta phải có một cái nhìn khác.
Phải mạnh mẽ thay đổi để hướng đến những đề văn tôn trọng tiếng nói cá nhân, truyền cảm hứng sáng tạo và khơi gợi sự độc lập tư duy cho học sinh. Đó là những đề văn có khả năng gợi mở đối thoại, mời gọi tranh luận, tạo điều kiện, mở ra nhiều cơ hội để học sinh tự do thể hiện cái nhìn riêng, quan điểm khác, tiếng nói ngược mà không phải rụt rè, khép nép trước những “đấng”, “bậc” nào cả.
Trong hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi xin nêu ra một số đề thi như vậy:
“Cuộc sống mang lại cho chúng ta sự hài lòng cũng như nỗi thất vọng. Hãy viết về một khoảnh khắc nào đó trong đời mà bạn trải nghiệm nỗi thất vọng, hoặc đương đầu với khó khăn hay là rơi vào một hoàn cảnh thử thách” (Đề của trường Massachussette Institute Technology, Hoa Kì).
“Một nét chấm phá về Bắc Kinh” (Đề thi của Trung Quốc).
“Giả sử bạn được quay trở về những năm trước cách mạng tháng tám, tham gia vào cuộc tranh luận: Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh, bạn hãy viết một bài văn trình bày quan điểm của riêng mình” (Đề của GS.TS Trần Nho Thìn).
“Giáo sư Huỳnh Như Phương cho rằng: (Đọc văn) thực chất là một cuộc đối thoại giữa lịch sử và hiện tại, giữa thế hệ hôm qua và hôm nay, giữa nền văn hóa này với một nền văn hóa khác. Từ quan điểm trên, hãy viết về một cuộc đối thoại mà anh/chị từng trải qua trong quá trình đọc văn của mình”.
“Viết một bài văn với chủ đề: Nếu chỉ còn một ngày để sống”.
“Một diễn đàn được tổ chức với chủ đề: Thế giới hỗn loạn và sứ mệnh của văn chương. Nếu anh/chị được mời tham gia diễn đàn ấy, hãy nêu quan điểm của mình”.
Hồ Tấn Nguyên Minh