Hàn Quốc là một trong những quốc gia đổi mới nhất thế giới. Đây là thành tựu đáng kể nếu xét tới thực tế nước này vẫn còn là thuộc địa của Nhật Bản đến nửa đầu thế kỷ II.
Theo Chỉ số Đổi mới 2021 của tạp chí Bloomberg, Hàn Quốc đứng đầu thế giới. Theo Chỉ số Đổi mới toàn cầu 2020 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Viện INSEAD, Pháp và Đại học Cornell, Mỹ, Hàn Quốc lần đầu tiên xếp hạng 10.
Cả hai chỉ số đều nêu bật thành tích xuất chúng của Hàn Quốc về cường độ nghiên cứu và phát triển (R&D), một chỉ số dựa trên đầu tư cho R&D của chính phủ và ngành công nghiệp, cũng như số lượng các nhà nghiên cứu làm việc trong và giữa cả hai khu vực. Chẳng hạn, theo dữ liệu từ công ty tuyển dụng học thuật League of Scholars, Hàn Quốc có tỷ lệ lớn nhất về các nhà nghiên cứu chuyển từ ngành công nghiệp sang học viện từ năm 2017 đến 2019 trong số 71 quốc gia.
Thành công “từ trên xuống”
Cường độ R&D cao giúp Hàn Quốc trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu trong công nghệ thông tin và truyền thông. Tim Mazzarol từ Đại học Tây Úc - người chuyên về đổi mới và khởi nghiệp - cho biết nó xuất phát từ một hệ thống đổi mới “từ trên xuống” lâu đời, kích thích “hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, ngành công nghiệp và cộng đồng học thuật trong quá trình xây dựng đất nước”.
Tổng thống Park Chung Hee đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc từ năm 1961, khi ông nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự, cho đến năm 1979, khi ông bị ám sát. Tổng thống Park đã chuyển nền kinh tế thời hậu chiến từ phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ và xây dựng các cơ sở công nghiệp của công ty ngoại sang tập trung vào các ngành thâm dụng lao động trong nước như quần áo và dệt may. Điều quan trọng là hỗ trợ mạnh mẽ cho R&D là trọng tâm trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế 5 năm đầu tiên của ông vào năm 1962, thể hiện qua việc ông thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) năm 1966 và Bộ Khoa học và Công nghệ vào năm sau đó.
Những biện pháp này đã hỗ trợ sự xuất hiện của các nhóm công nghiệp lớn - chaebol, do các cá nhân hoặc gia đình Hàn Quốc sở hữu và kiểm soát. Chính phủ thúc đẩy các chaebol đầu tư mạnh vào R&D trong khi bảo vệ họ khỏi sự cạnh tranh. Với cường độ R&D tập trung vào kiến thức ứng dụng tăng lên, các công ty lớn như LG, Lotte và Samsung hướng tới các ngành công nghiệp nặng mới, bao gồm hóa dầu, sản xuất ô tô và đóng tàu, cũng như điện tử tiêu dùng.
Đầu tư vào tương lai
Những người kế nhiệm của Tổng thống Park tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới như một động lực thúc đẩy kinh tế và xã hội. Đầu tư của chính phủ và ngành công nghiệp vào R&D tăng vọt, khả năng nghiên cứu cơ bản được mở rộng. Vào giữa những năm 1980 và đầu những năm 1990, sự chú ý của chính phủ đã chuyển sang các ngành công nghệ cao như thiết kế và sản xuất chất bán dẫn. Chẳng hạn, vào năm 1971, Hàn Quốc thành lập KAIST, hiện vẫn là trường đại học nghiên cứu hàng đầu trên cả nước.
Các chương trình mục tiêu xây dựng quốc gia cũng được thiết lập. Năm 1995, chính phủ đã bắt đầu kế hoạch 10 năm trị giá 1,5 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng băng thông rộng quốc gia và cung cấp các chương trình công cộng về tối đa hóa sử dụng nó.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã khiến nhiều chaebol chuyển từ phụ thuộc vào hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp, đặc trưng của nền kinh tế 'hổ', sang công nghệ và các sản phẩm và dịch vụ thâm dụng tri thức như chất bán dẫn, điện thoại di động và ứng dụng di động.
Cùng với các chaebol, chính phủ bắt đầu phát triển các trung tâm đổi mới vùng như Gyeonggi, khu vực gần 13 triệu dân lân cận Seoul. Gyeonggi hiện được coi là “ông trùm” kinh tế và đổi mới quốc gia.
Trung tâm đã đưa cơ sở hạ tầng sản xuất và R&D của ngành đi cùng với các trường đại học và cơ sở nghiên cứu trong nước và quốc gia. Mặc dù tài trợ của chính phủ tiếp tục thúc đẩy chi tiêu cho R&D và các chương trình đẩy mạnh phát triển chuyển dịch và chuyên môn khoa học, kỹ thuật và quản lý, tỉ trọng đầu tư lớn vào R&D đã chuyển sang khu vực doanh nghiệp nhằm tìm kiếm bằng sáng chế và lợi nhuận. Chi tiêu cho R&D của khu vực tư nhân chiếm gần 80% tổng chi tiêu cho R&D của Hàn Quốc vào năm 2019, cao hơn các quốc gia đổi mới hàng đầu như Đức, Thụy Điển và Thụy Sĩ ở mức 70%. Sự thay đổi này được hỗ trợ bởi các ưu đãi thuế R&D và nhập khẩu công nghệ nước ngoài.
Trong những năm 2010, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng cũng như các công ty dựa trên băng thông rộng bắt đầu nổi lên. Được thành lập bởi một thế hệ doanh nhân mới, họ được hậu thuẫn bằng tài trợ của chính phủ và cơ sở hạ tầng công nghệ quốc gia.
Cách tiếp cận có hệ thống của chính phủ Hàn Quốc là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra một nền kinh tế đổi mới, có khả năng biến những ý tưởng từ phòng thí nghiệm thành sản phẩm và ngành công nghiệp.
Chiến lược xuất sắc để Việt Nam thay đổi thứ hạng quốc gia
Nếu nhìn những quốc gia phát triển, thay đổi thứ hạng trên thế giới nhờ công nghệ, có thể thấy họ đã có những chiến lược xuất sắc và tầm nhìn xa. Đây cũng chính là cảm hứng cho các nước đi sau như Việt Nam.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng định hướng các chiến lược phát triển ngành TT&TT và năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược này. Bộ trưởng khẳng định: đã là chiến lược thì phải xuất sắc, có tầm nhìn xa, có mục tiêu cao để thay đổi thứ hạng quốc gia và đặc biệt phải có cách tiếp cận và giải pháp độc đáo, đột phá để việc khó thành dễ làm, khả thi, có thể làm nhanh.
Cụ thể, chiến lược Hạ tầng số thì trọng tâm là 5G, là Cloud, là công nghệ và hạ tầng được cung cấp dưới dạng dịch vụ, là một số Platforms thiết yếu, là mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường truyền Internet cáp quang. Hạ tầng số Việt Nam đạt top 30 thế giới trước năm 2025. Hạ tầng số là hạ tầng nền kinh tế số nên Việt Nam phải làm chủ thiết bị hạ tầng. Chiến lược Hạ tầng bưu chính thì trọng tâm là hạ tầng chuyển phát đến từng hộ gia đình, là nền tảng địa chỉ số VPostcode, là các sàn giao dịch thương mại điện tử cho các hộ nông dân, hộ gia đình và cá nhân kinh danh, là số hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh và dịch vụ của bưu chính. Hạ tầng bưu chính đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu, nhưng trọng tâm là đến hộ gia đình.
Đối với Chiến lược Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng khẳng định là tinh thần Make in Vietnam, là chuyển đổi Việt Nam thành quốc gia số, là giải các bài toán Việt Nam bằng công nghệ, là phát triển các nền tảng chuyển đổi số, là làm chủ công nghệ qua việc đẩy mạnh ứng dụng, và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu. Việt Nam sẽ phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025.
Chiến lược Chính phủ số thì trọng tâm là chuyển đổi mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số và sau đó là thay đổi cách vận hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tương tác với người dân, doanh nghiệp, dùng công nghệ để giải quyết các bài toán thiên niên kỷ. Chính phủ số là giải pháp đột phá để thay đổi cách vận hành của Chính phủ. Chính phủ số dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chiến lược Kinh tế số trọng tâm là tăng trưởng của kinh tế số từ 20 - 25%/năm, gấp ba tăng trưởng GDP, hướng đến mục tiêu kinh tế số năm 2025 chiếm 20% GDP và trên 30% vào năm 2030. Chiến lược An toàn không gian mạng quốc gia là phát triển hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng và trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng.
Du Lam
Nâng cấp hạ tầng số - Liệu có đơn giản chỉ với vài cú click chuột?
Nâng cấp hạ tầng số là bước đi chiến lược của mỗi doanh nghiệp trong đời đại 4.0. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp muốn thực hiện nâng cấp hạ tầng số.