Nếu bạn đã sẵn sàng thử một điều gì đó mới, dưới đây là những thay đổi nhỏ giúp bạn đạt được thành công về tài chính.
1. Bắt đầu với ngày không chi tiêu
Ngày không tiêu là khi bạn chọn một ngày để không tiêu tiền. Tất nhiên, không tiêu tiền ở đây được hiểu là bạn không mua hàng trực tuyến, không trà cà phê… chỉ chi trả cho những khoản thiết yếu như tiền thuê nhà, tiền điện…
Thử thách này có thể là một cách thú vị để bạn luyện tập không tiêu tiền vào những thứ không cần thiết. Bạn sẽ phải bất ngờ với những gì mình có thể tiết kiệm được khi thực hiện thử thách này.
Để thành công khi thực hiện thử thách này, hãy tính toán và đưa ra lựa chọn một cách khôn ngoan. Nếu bạn là người cần một cốc cà phê buổi sáng để bắt đầu ngày làm việc, đừng bắt đầu thử thách vào thứ 2 mà nên là một ngày nào đó bạn không phải đi làm. Bên cạnh đó, hãy lấp đầy ngày không tiêu của bạn bằng các hoạt động vui chơi không tốn tiền. Rất có thể, bạn sẽ khơi lại được niềm đam mê bấy lâu bỏ quên.
2. Tự động hóa khoản tiết kiệm
Một trong những cách dễ nhất để tích lũy tiền tiết kiệm là tự động hóa các khoản tiền gửi. Chỉ bằng một thao tác nhỏ là cài đặt gửi tiết kiệm tự động mỗi khi có thu nhập phát sinh, bạn sẽ không phải nghĩ tiêu gì khi có tiền và dễ dàng xây dựng sự giàu có.
3. Thay đổi cách bạn mua sắm
Dưới đây là những cách để chi tiêu ít hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng khi mua sắm:
Mua các sản phẩm thương hiệu không quá nổi tiếng hoặc của chính cửa hàng
Bạn có thể có các nhãn hiệu đồ ăn đã qua chế biến yêu thích của mình. Không nhất thiết phải từ bỏ những món ăn yêu thích đó, hãy thử mua những sản phẩm như gia vị, giấy vệ sinh, giấy ăn, gạo... đến từ các thương hiệu không mấy nổi tiếng. Bạn rất có thể sẽ khám phá ra sự lựa chọn mới kinh tế hơn mà chất lượng vẫn đảm bảo.
Kiểm tra tủ, phòng bếp trước khi đi mua sắm
Thông thường, chúng ta có thói quen mua đồ mới hơn là vì bếp nhà mình đã hết sạch đồ ăn. Sự thay đổi ở đây chính là xây dựng thói quen kiểm tra tủ, phòng bếp trước khi đi mua sắm để biết những gì mình có. Nấu ăn tại nhà và tận dụng nguồn thực phẩm còn lại là cách để bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc khi ít phải đi mua sắm hơn.
Lên danh sách trước khi đi mua sắm
Lập danh sách những thứ bạn cần là cách giúp bạn mua sắm hợp lý hơn, tránh sa đà vào những thứ không thực sự cần thiết. Bằng cách lên trước kế hoạch cho bữa ăn tuần, bạn sẽ chủ động hơn trong việc mua sắm những thứ cần thiết, hạn chế việc phải đi lại nhiều lần.
Tìm sản phẩm trên kệ dưới thấp và trên cao trong siêu thị
Cách bài trí các sản phẩm trong siêu thị không phải ngẫu nhiên mà thường là kết quả của những cuộc thăm dò, nghiên cứu. Chúng ta có xu hướng lựa chọn các sản phẩm ở kệ ngang tầm mắt mình và đó là lý do siêu thị thường đặt sản phẩm họ muốn chúng ta chú ý ở vị trí đó. Các mặt hàng có giá thấp hơn thường nằm ở các kệ thấp hơn và cao hơn.
4. Điều chỉnh thói quen chi tiêu
Cùng với việc điều chỉnh cách mua sắm, bạn có thể tạo nên những khác biệt bằng cách thay đổi thói quen chi tiêu của mình.
Theo dõi chi tiêu
Việc ghi chép lại cách bạn đã tiêu từng đồng sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về cách mình đang chi tiêu. Bạn có thể sẽ bất ngờ bởi số tiền mình đã chi cho những khoản không cần thiết, thậm chí vào những nơi bạn không nhớ mình đã tiêu tiền vào. Bạn sẽ không thể cắt giảm chi tiêu khi không biết mình thực sự đang tiêu tiền vào những đâu.
Xác định các yếu tố kích hoạt chi tiêu
Các yếu tố kích hoạt chi tiêu là những thứ thúc đẩy bạn tiêu tiền. Đó có thể là cơn thèm mua sắm mỗi khi cảm thấy buồn chán, không thể cưỡng lại khi đi bộ ngang qua dãy cửa hàng có chương trình giảm giá... Bằng cách xác định những gì thúc đẩy bạn tiêu tiền, bạn sẽ kiểm soát được tình hình tốt hơn, thúc đẩy tiết kiệm hiệu quả.
Chuyển sang sử dụng tiền mặt
Sử dụng tiền mặt giúp bạn nhận thức rõ hơn về những gì bạn đang chi tiêu. Ngay cả việc đếm tiền khi mua hàng cũng giúp bạn có ý thức hơn trong việc chi tiêu của mình thay vì đơn giản là đưa ra một chiếc thẻ.
5. Dọn dẹp và đơn giản hóa
Dọn dẹp có thể là chìa khóa để mở ra thành công tài chính của bạn. Hãy loại bỏ bất kỳ vật dụng không cần thiết nào trong nhà của bạn. Bạn sẽ biết đâu là thứ mình cần ngừng mua bởi chúng không cần thiết.
Bước tiếp theo chính là giữ cho không gian của bạn không bừa bộn trở lại, chú ý hơn đến chất lượng thay vì số lượng. Bạn có thể phải bỏ ra nhiều hơn cho một đôi giày chất lượng cao hơn song thời gian sử dụng lâu hơn giúp tiết kiệm chi phí mỗi lần sử dụng. Đừng chất đống căn nhà của mình bằng những thứ trông có vẻ hay hay nhưng bạn sẽ chẳng mấy khi động tới.
6. Ngừng cố theo kịp các xu hướng
Cảm giác thật tuyệt khi sở hữu một thứ đang được nhiều người săn đón. Tuy nhiên sự hài lòng ngắn ngủi đó có xứng đáng với số tiền lớn mà bạn phải bỏ ra, kéo theo những khó khăn về tài chính trong ngày tháng sau này?
Khi phiên bản mới nhất của những chiếc điện thoại di động hoặc đồng hồ ra mắt, hãy tự hỏi liệu mình có thực sự cần nó. Bạn sẽ có được lợi ích lâu dài từ việc mua sản phẩm đó không? Nếu bạn cần một thiết bị mới, hãy tìm hiểu các sản phẩm khác với tính năng tương tự mà vẫn có thể cung cấp cho bạn những gì bạn cần với chi phí nhỏ hơn.
7. Ưu tiên sức khỏe của bạn
Ưu tiên sức khỏe của bạn sẽ khiến bạn phải đưa ra những lựa chọn tích cực hơn với tiền của mình. Những thói quen không lành mạnh như ăn thức ăn nhanh và uống quá nhiều rượu có thể gây ra những tác động tiêu cực tới sức khoẻ của bạn, tốn kém hơn cho chi phí y tế sau này.
Theo Phụ nữ Việt Nam