Bán con lấy tiền mua xe máy
Lý Thị Vinh (tên nhân vật đã được thay đổi), 37 tuổi, trú ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là một trong số những phụ nữ vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai trở về.
Được biết, ngày trước, Vinh bỏ học giữa chừng rồi theo mẹ làm rẫy. Khi lớn lên, cô lấy chồng – một người đàn ông nghiện rượu nặng và suốt ngày say xỉn, vì thế, gia đình cô cùng 5 đứa con luôn sống trong cảnh nghèo đói, túng thiếu.
Năm 2018, Vinh lại tiếp tục mang thai, đó là đứa con thứ 6 của hai vợ chồng.
Vinh kể, một ngày cuối tháng 8, khi cái thai trong bụng đã lớn, cô đến một phòng khám ở thị trấn Mường Xén để siêu âm. Lúc này, cô gặp một người phụ nữ sống cùng xã tên Kh. Biết gia cảnh của Vinh, Kh. lập tức dụ dỗ cô qua Trung Quốc để bán cái thai trong bụng.
"Chị ta nói, mỗi đứa con bán đi được 80 triệu đồng, tôi không phải bỏ chi phí đi lại”, Vinh nhớ lại.
Về hỏi ý kiến chồng, người đàn ông suốt ngày say xỉn lập tức gật đầu. Gần một tuần sau lần gặp ở phòng khám, Kh. đã dẫn Vinh ra Quốc lộ 7 bắt xe sang Trung Quốc.
Cùng chuyến đi với Vinh còn có một người phụ nữ khác trú ở bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm. Lúc này cả hai đang mang thai tháng thứ 8.
Sau khi đến Móng Cái (Quảng Ninh), Vinh và người phụ nữ kia được một người đàn ông Trung Quốc chờ sẵn. Họ nhanh chóng được đón lên thuyền để vượt sông, qua bên kia biên giới.
Hành trình để đến địa điểm bán con của hai người phụ nữ kéo dài 3 ngày 3 đêm. Vào sâu vùng nội địa của Trung Quốc, cả hai không biết đó là tỉnh nào của Trung Quốc.
Sau hành trình dài bằng xe khách, họ đến nhà một người dân mà người dẫn đường giới thiệu là “nhà người quen”. Hàng ngày, cả hai được uống bia, ăn thịt gà và nhiều thức ăn khác mà theo như giải thích của Vinh là nhằm mục đích cho “dễ đẻ”. Họ bị giam lỏng ở đó gần một tháng và sắp đến ngày sinh thì được đưa lên taxi đến bệnh viện.
Để đến được bệnh viện phải đi rất xa. Vì thế, khi đến nơi, Vinh lập tức lên bàn đẻ. Đẻ con xong, cô chỉ kịp liếc nhìn con qua cánh cửa kính trong ít giây rồi đứa bé nhanh chóng được người ta mang đi.
Sau khi nghỉ ngơi vài tiếng, cô phải nhanh chóng trở lại căn nhà kia chờ người phụ nữ đi cùng sinh con xong rồi thu dọn quần áo lên xe khách quay về Việt Nam.
Ngày 7/11, Lý Thị Vinh về đến nhà là lên rẫy gặt lúa với chồng. Một tuần sau thì Kh. gọi điện lên thị trấn Mường Xén nhận tiền. Mỗi người nhận được 80 triệu đồng. Sau khi có tiền, vợ chồng Vinh quyết định lên thị trấn mua một chiếc xe máy…
Được biết, chỉ riêng tại xã Hữu Kiệm đã có hơn 20 phụ nữ mang thai qua Trung Quốc đẻ rồi bán con. Trong đó, bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2 chiếm phần đông. Đây là 2 bản của người Khơ Mú, phần lớn hộ dân trong bản đều hộ nghèo hoặc cận nghèo.
Khi đặt chân đến Trung Quốc, vì sợ những người phụ nữ này đổi ý, những kẻ buôn người thường giam lỏng, không cho họ tiếp cận ai. Nếu kiên quyết từ chối bán con, họ thường bị hăm dọa “bán cả mẹ lẫn con”. Trong khi đó, những kẻ này trước đây vốn dĩ cũng từng là nạn nhân của việc buôn người. Sau khi có chồng Trung Quốc thì quay trở lại quê hương, trở thành thủ phạm chuyên dụ dỗ phụ nữ đi bán thai.
Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt
Ông Lương Xuân Hiền, Bí thư Chi bộ bản Đỉnh Sơn 1 cho biết, những năm trước do trình độ nhận thức của bà con trong bản thấp nên một số đối tượng đã lừa gạt, dụ dỗ những người phụ nữ trong bản đang mang thai hoặc đang có con nhỏ đưa sang nước ngoài bán.
Tuy nhiên, từ năm 2019, khi công an chính quy về bản, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân. Nhờ đó, người dân dần nhận thức đó là hành vi sai trái, tình trạng mua bán người, bào thai không còn. Cuộc sống của người dân trong thôn bản đã ổn định hơn, bà con chăm lo làm ăn phát triển kinh tế.
Ông La Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm chia sẻ, nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ người dân tộc Khơ Mú. Nguyên nhân chủ yếu là do đồng bào có đời sống rất khó khăn, hầu hết là hộ nghèo, lối sống lạc hậu, không biết tiết kiệm; nhận thức về pháp luật rất kém nên ngay việc bán con của mình họ cũng không nghĩ là vi phạm phát luật.
Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền pháp luật cho bà con. Công an, cán bộ xã tích cực nắm thông tin, quản lý những người phụ nữ đang có bầu hoặc có con nhỏ; đồng thời tăng cường kiểm soát, phát hiện các đối tượng lạ mặt xuất hiện trên địa bàn, không để các đối tượng này lôi kéo, dụ dỗ. Đến nay, trên địa bàn xã tình trạng mua bán người, bào thai đã được xóa bỏ.
Theo thông tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, gần đây, hoạt động của tội phạm mua bán người tại khu vực có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chỉ trong năm 2022, Bộ đội Biên phòng Nghệ An cùng lực lượng chức năng đã điều tra, phát hiện và khởi tố 4 vụ, bắt 6 đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán người. Tuy nhiên, chủ yếu là án truy xét, tức là nạn nhân bị bán ra nước ngoài khi trở về tố cáo.
Đại tá Dương Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho rằng, tội phạm mua bán người hoạt động ẩn, thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook nên công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn.
Để làm tốt công tác phòng ngừa, đơn vị sẽ tập trung và đi sâu vào nội dung tuyên truyền; đồng thời, phối hợp với các lực lượng, nhất là công an để rà soát các đối tượng liên quan. Trên cơ sở phân loại, xác định đối tượng nghi vấn, có tiềm ẩn nguy cơ mua bán người, đơn vị sẽ có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện.
Nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, tháng 2/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND.
Trên cơ sở đánh giá những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm mua bán người và tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán người. Bảo đảm 100% tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, phân loại; 95% số vụ án mua bán người được giải quyết và truy tố.