Trong khi nhiều ĐBQH và công chúng đang đặt câu hỏi tại sao thời bình mà các tướng được phong ở VN lại nhiều như vậy, thì ở đất nước láng giềng, hai người VN khác đã được trao tặng huân chương Đại tướng quân.
>> Sẽ ra sao nếu Đại tướng quân Hai Lúa vẫn ở VN?
>> Nghi án “hoa hồng” và Đại tướng quân xứ người
Thậm chí, Quốc vương Campuchia còn cấp giấy chứng nhận cho hai công dân VN này là nhà kỹ thuật sửa chữa xe bọc thép để vinh danh những đóng góp của họ cho nền kỹ thuật của đất nước.
Nghĩa của từ “đất nước” trong tờ giấy chứng nhận kia không thể là quốc gia nào khác ngoài Vương quốc Campuchia.
Đã có những ước ao. Lẽ ra, chúng ta mới là nước đầu tiên có cơ hội “trao tặng”, “chứng nhận” đó, nếu như chúng ta quan tâm thêm một chút, tạo điều kiện thêm một chút, hoặc là “cứ mặc kệ” thôi cũng được. Hỏi những người có trách nhiệm và quan tâm đến khoa học công nghệ có nuối tiếc không? Câu trả lời chắc chắn là có.
“Ở đó người ta làm khoa học lạ lắm. Anh làm được gì thì làm. Không cần bằng cấp, giấy phép gì cả. Còn ở xứ ta, mình chưa làm đã bị đặt câu hỏi: Anh có học không mà đòi làm. Nói thật, làm khoa học ở xứ mình buồn lắm”.
Chính vì làm khoa học lạ như vậy nên việc trao tặng huân chương Đại tướng quân của người ta cũng lạ như vậy đó.
Chiếc xe bọc thép mới do ông Hải chế tạo. Ảnh: Motthegioi |
Không nói đến 12/13 thí sinh Olympia cũng như phần lớn du học sinh theo diện học bổng hay tự túc không muốn trở về sau khi tốt nghiệp, vì chúng ta phần nào hiểu được sự lựa chọn của các bạn khi có cơ hội được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, dù không khỏi chạnh lòng khi lần lượt những người ưu tú nhất được lựa chọn qua một cuộc thi mang tầm quốc gia như Đường lên đỉnh Olympia đã quyết định là hiền tài của quốc gia khác.
Chỉ cần nhìn vào hành trình biến những ý tưởng “điên rồ” thành hiện thực của những nông dân, công nhân, người thợ… mà có lẽ chưa bao giờ ra khỏi biên giới VN cũng sẽ thấy rằng phải sáng tạo, cống hiến “ké” ở một đất nước không phải là quê hương xứ sở của mình có lẽ là việc “chẳng đặng đừng”.
Ông Trần Quốc Hải từng chế tạo máy bay trực thăng. Thế nhưng nếu VN ghẻ lạnh máy bay do ông chế tạo thì cuối cùng nó lại đã tìm được vị trí tại Viện bảo tàng New York (Mỹ) và Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại Busan (Hàn Quốc).
Cùng đam mê máy bay trực thăng như ông, nhưng anh thợ cơ khí Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) cũng đã bị bắt viết cam kết không chế tạo máy bay. Còn ông Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình), sau khi chế tạo tàu ngầm Trường Sa, đã bị cấm thử nghiệm ở biển Thái Bình, muốn thử thì hãy đưa tàu lên Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Hải Quân, hoặc sang tỉnh khác! Thậm chí, khi họp bàn để quyết định việc này, UBND cũng không mời người đáng ra nên có mặt nhất là ông tham dự.
Nên cũng thật là dễ hiểu khi ông Nguyễn Quốc Hòa và tàu ngầm Hoàng Sa đình đám trên truyền thông thì trong loạt hoạt động chào mừng Lễ công bố Ngày Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Thái Bình chỉ tham gia… giải cầu lông trong hội thao mà không có sản phẩm khoa học công nghệ nào tham gia chương trình triển lãm cả.
“Khoa học không có biên giới, nơi nào họ cần mình, họ coi trọng mình thì mình đến phục vụ cho họ. Đơn giản thế thôi”. Vâng, những người làm khoa học thật sự đôi khi đơn giản thế thôi, nhưng có lẽ cơ chế, chính sách của chúng ta cứ phức tạp hóa vấn đề.
Và vẫn biết, khoa học là không biên giới, đóng góp của các nhà khoa học, cuối cùng cũng là để phục vụ chung cho toàn nhân loại. Nhưng chúng ta vẫn không khỏi ngậm ngùi rằng mình là người “cầm vàng mà để vàng rơi”.
Những ước mơ lớn lao ban đầu thường bị đánh giá là điên rồ, thiếu thực tế. Nhưng hãy tạm thống nhất với nhau rằng, mọi điều đều có thể xảy ra. Cần phải nghĩ khác thì mới có thái độ khác, hành động khác được.
“Tôi vẫn sẽ quyết tâm đưa tàu ra biển, kể cả phải đưa tàu sang tỉnh khác hay xa hơn để xin được thực hiện ước mơ”, cha đẻ tàu ngầm Trường Sa từng nói.
Thay đổi, hay để những người như ông Nguyễn Quốc Hòa lại phải tìm đường sang Campuchia hay một quốc gia nào đó để thử nghiệm tàu ngầm và trong nước lại ngóng cổ hớt váng tin tức rằng ông đã được phong Đại tướng quân, Nguyên soái hay Hiệp sĩ… bởi một nơi nào đó không phải là Việt Nam.
- Nga Lê