-Việc cải biến thực hành văn hóa cho hợp với thời đại là chuyện thường tình và hợp quy luật. Đó không nhất thiết phản ánh sự “a dua”, “sính ngoại” hay tâm thế “quay lưng với quá khứ”.
>> 'Chém lợn', ăn thịt chó mới hợp... truyền thống?
>> Văn hóa Việt nhưng hễ nước ngoài chê là ầm ĩ
>> Trời tròn đất vuông: Ai nói người Việt kém triết lý?
LTS: Tiếp nhận ý kiến công luận, tại cuộc họp báo mới đây, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho hay, sẽ vẫn tổ chức nghi thức chém lợn ở làng Ném Thượng, song thay vì chém ở sân đình sẽ đưa vào hậu cung. Việc cải biến này liệu có làm mất đi tính thiêng của lễ hội hay không, xin giới thiệu góc nhìn dưới đây của ông Nguyễn Công Thảo, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nhân học.
Nên hiểu thế nào là đa dạng văn hóa?
Trong vòng hơn một thập kỉ trở lại đây, “đa dạng văn hóa” được nhấn mạnh một cách thường xuyên hơn trên nhiều diễn đàn. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi nó phản ánh xu thế phát triển, đáp ứng phần nào nhu cầu của nhiều nhóm tộc người, xã hội khác nhau. Ẩn sau thông điệp này là sự thừa nhận, tôn trọng quyền quyết định của các chủ thể văn hóa và sâu xa hơn là quyền con người.
Dẫu vậy, cũng cần phải đặt đa dạng văn hóa trong bối cảnh, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể.
Theo quan niệm của người viết, chừng nào những thực hành văn hóa của một cộng đồng không có ảnh hưởng tiêu cực hay xung đột với cộng đồng xung quanh hay cao hơn là luật pháp thì chúng cần được tôn trọng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay khi mức độ hòa nhập giữa các cộng đồng ngày càng sâu sắc.
Chính vì thế, không có “đa dạng văn hóa” chung chung hay đa dạng ở tình trạng “vô chính phủ”. Điều này hết sức nguy hiểm bởi nó tiềm ẩn những xung đột không chỉ giữa cộng đồng địa phương với nhà nước mà còn giữa các cộng đồng láng giềng khác nhau. Nếu cực đoan cổ súy cho đa dạng văn hóa vô điều kiện, rất dễ gián tiếp ủng hộ việc lưu giữ những thực hành văn hóa không còn phù hợp thời đại. Có thể kể ra nhiều tục lệ từng phổ biến một thời: tục không cho mang người chết chợ đi qua đường làng ở Hoài Đức[1]; tục chôn trẻ sơ sinh khi người mẹ qua đời lúc vượt cạn đâu đó ở Tây Nguyên[2].
Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Ảnh: phunuonline |
Quyền phán xét văn hóa thuộc về ai?
Các nhà Nhân học (trong đó có tôi) luôn đề cao tiếng nói của chủ thể văn hóa. Có nghĩa là chừng nào họ nhận ra tục lệ của mình không còn phù hợp thì họ sẽ tự động từ bỏ, thay thế bằng những thực hành văn hóa mới. Đây là “điểm dựa” cho những quan điểm cho rằng không được can thiệp vào lễ hội chém lợn, đâm trâu…. bởi đó là bản sắc văn hóa, truyền thống của người dân và chỉ họ mới có quyền quyết định nên làm thế nào.
Trong một chừng mực nào đó, cá nhân tôi ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, khác với một số người, tôi cho rằng chúng ta không thể chấp nhận sự đa dạng một cách vô điều kiện.
Thực hành văn hóa của một cộng đồng chỉ nên được cổ súy khi nó không có ảnh hưởng xấu hay trái pháp luật. Nếu cực đoan bảo vệ quyền “đa dạng văn hóa” cho cộng đồng này hay khăng khăng cho rằng chỉ có họ mới có quyền phán xét ý nghĩa, giá trị của thực hành văn hóa đó, rất dễ rơi vào tâm thế vô tình tổn thương cộng đồng khác, nhất là trong bối cảnh cư trú đan xen, hội nhập như hiện nay. Đó là chưa kể không ít những thực hành văn hóa đó lại trái với pháp luật, trái với những cam kết mà ta đã đồng thuận, kí kết với thế giới.
Tôi đồng tình với quan điểm mà GS. Ngô Đức Thịnh từng đưa ra, trong trường hợp cần thiết, phải có sự can thiệp từ bên ngoài đối với những tục lệ gây tác hại xấu nhất là trong bối cảnh hiện nay[3]. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh hơn ở đây là chúng ta cũng không nên cực đoan lên án bản thân một thực hành văn hóa để rồi can thiệp thô bạo. Cần có sự tuyên truyền từng bước cần thiết để những chủ thể văn hóa nhận ra rằng họ đang sống trong một bối cảnh khác, bao quanh họ là những cộng đồng mới, những người có cách nghĩ khác. Họ có quyền với thực hành văn hóa của mình nhưng cũng có nghĩa vụ tôn trọng quyền hưởng thụ văn hóa của người khác. Sẽ là vô cùng thiếu khôn ngoan khi cứ khăng khăng cho rằng nếu ai đó không thích, không hiểu thì đừng đến, đừng xem…
Trở lại với tục chém lợn của người làng Ném Thượng, một nghi lễ đang gây tranh luận rộng rãi trong công luận hiện nay, tôi cho rằng người dân cũng như những người có trách nhiệm ở đât đã biết lắng nghe ý kiến từ công luận. Như chia sẻ của lãnh đạo Bắc Ninh tại cuộc họp báo hôm qua, thì họ sẽ đưa lợn vào hậu cung thay vì mang ra giữa đình làng.
Quả là, nếu họ muốn bảo lưu những gì mình đang làm, việc tối cần thiết là cần giải thích, thuyết phục công luận cũng như dũng cảm tiếp nhận ý kiến phản biện với tinh thần tích cực, xây dựng. Tôi tin đa phần các ý kiến phản đối không xuất phát từ bất kì toan tính cá nhân hay “nhóm lợi ích” nào.
Thay đổi dể đa dạng
Truyền thống hay tục lệ không được tạo ra sau một đêm hay bất biến[4]. Việc cải biến thực hành văn hóa cho hợp với thời đại là chuyện thường tình và hợp quy luật. Đó không nhất thiết phản ánh sự “a dua”, “sính ngoại” hay tâm thế “quay lưng với quá khứ” và càng không đe dọa làm mất đi “bản sắc” của một cộng đồng.
Trái lại, không ngừng cải biến góp phần làm giàu thêm, đa dạng thêm, phù hợp thêm, tăng tính lan tỏa hơn cho những thực hành văn hóa đó. Nó phản ánh sự tôn trọng tiền nhân, trách nhiệm với hiện tại và định hướng cho tương lai.
Với cách nghĩ ấy, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng việc cách điệu, đổi mới nghi lễ chém lợn không nhất thiết làm mất đi “bản sắc”, giá trị lịch sử hay “truyền thống” của người dân làng Ném Thượng.
[1] http://vietbao.vn/Xa-hoi/Keo-quan-tai-tren-song-Hu-tuc-dau-long/2131695839/157/
[2] http://vietbao.vn/Xa-hoi/Rung-ron-hu-tuc-chon-con-dap-con-chet-theo-me/2131670582/157/