LTS: Hiện nay, những thay đổi của giáo dục và nhà trường trong bối cảnh mới đã đặt ra những yêu cầu mới đối với người thầy, đòi hỏi người thầy phải có những vai trò mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Làm thế nào để tiếp tục giữ gìn được sự tôn nghiêm và củng cố vị thế của nhà giáo?
VietNamNet mong nhận được những ý kiến trao đổi, bàn luận của các thầy cô, của độc giả về chủ đề này qua email: [email protected]. Những ý kiến, bài viết phù hợp sẽ được chọn lọc để đăng tải. Xin chân thành cảm ơn.
*****
Lương nhà giáo ở Việt Nam thế nào so với đồng nghiệp quốc tế?
Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam xác định lương giáo viên “được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Theo các thông tư về bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên do Bộ GD-ĐT ban hành và có hiệu lực từ ngày 20/3/2021, mức lương cao nhất của giáo viên mầm non là hơn 9,5 triệu đồng/tháng, mức lương cao nhất của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở là hơn 10 triệu đồng/tháng, tương đương với khoảng 450USD/tháng (5.400USD/năm).
Mức lương và kỳ vọng về mức lương của giáo viên của các nước (Nguồn: The Varkey Foundation, 2018) |
So với mức lương của các nước công bố năm 2018, mức lương cao nhất của giáo viên Việt Nam bằng 1/2 mức lương trung bình của giáo viên ở Ai Cập (nước có mức lương giáo viên thấp nhất trong 35 nước được khảo sát) và bằng 1/17 mức lương trung bình của giáo viên ở Thụy Sĩ (nước có mức lương giáo viên cao nhất trong 35 nước được khảo sát).
Ở Việt Nam, mức lương của giáo viên hiện nay đang cao hơn lương của công chức, viên chức trong nhiều lĩnh vực khác. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, lương của giáo viên còn thấp so với mặt bằng của đời sống kinh tế.
“Đừng mong có sự tôn kính với một nghề mà dù làm hết sức cũng không đảm bảo cuộc sống gia đình! Vì như vậy buộc người ta phải có chân ngoài chân trong dẫn đến thiếu đầu tư, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tâm huyết.
Trên thế giới này thử xem có bao nhiêu nước mà cô thầy phải đi dạy thêm để kiếm sống?” – một độc giả đặt câu hỏi.
Mức lương khiến giáo viên chưa yên tâm cống hiến
NGND Phạm Ngọc Quang – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lam Sơn, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa nhớ lại, những năm chống Mỹ hay thời kỳ trước, cả xã hội ai cũng khổ, cũng vất vả, mọi người sống như nhau thì không ai nghĩ đến chuyện làm giàu bằng con đường giáo dục cả. Từ lãnh đạo đến giáo viên, nhân viên phục vụ, giáo sư đại học cho đến giáo viên mầm non, tiểu học đều chăm chú vào chuyên môn.
Theo thầy Quang, sau này kinh tế thị trường đã tác động tâm lý của không ít giáo viên. Họ đặt câu hỏi chẳng lẽ nhà giáo lại cứ khổ mãi trong khi đó bao người đi làm kinh tế giàu lên.
Từ đó, nhiều nhà giáo cũng phải chạy theo cuộc sống, nên xuất hiện việc dạy thêm, học thêm. Dần dần mới biến tướng và xuất hiện thương mại trong giáo dục.
“Tôi còn nhớ một lần được tham dự buổi gặp mặt với Sở Giáo dục, có giáo viên phát biểu rằng “chúng em vẫn hết lòng vì học sinh nhưng làm giáo viên vất vả quá, trong khi những người làm doanh nghiệp rất giàu, sống sung túc”.
Một lãnh đạo Sở đã thẳng thắn trả lời rằng đã đi theo nghiệp này thì không thể giàu được, còn ai muốn giàu thì bỏ ngành giáo dục đi ra mà làm kinh tế thôi chứ chả có cách nào khác” – thầy Quang kể.
Nhìn nhận ở cả vị trí giáo viên và cán bộ quản lý, theo thầy Quang, mỗi người sẽ có những vất vả riêng.
“Ví dụ giáo viên dạy chuyên thì lo làm sao có học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế, lớp đỗ đại học 100%. Giáo viên phổ thông phải lo chất lượng đại trà, làm sao quản lý học sinh cá biệt không phá bĩnh trong lớp. Vất vả của giáo viên miền núi, vùng sâu vùng xa là làm sao học sinh không bỏ học để đi rừng, làm nương hay kéo nhau vào miền Nam tìm việc. Với giáo viên mầm non, nỗi lo số 1 là an toàn cho các cháu…
Tuy nhiên, tôi cho rằng có một nỗi vất vả chung với số đông các thầy cô khi làm nghề, đó là cân bằng giữa đời sống vật chất và nhiệm vụ chính trị. Đi dạy nhưng vẫn phải nghĩ làm sao đảm bảo cuộc sống cho gia đình”.
Thầy Phạm Ngọc Quang cho biết mình rất buồn khi thi thoảng đọc được những câu chuyện như có thầy giáo sáng lên lớp tối đóng bộ khác đi làm xe ôm. Học trò của thầy nhận ra mà thầy không biết, nên “đăng ký” đi xe của thầy suốt cả năm coi như để giúp đỡ thầy…
“Phải thấy rằng mấu chốt của đội ngũ giáo dục là nhà giáo. Phải nâng chất nhà giáo lên cả về kiến thức chuyên môn lẫn đạo đức, và phải chăm lo đời sống cho họ mới nâng chất lượng giáo dục lên được. Nên phải suy nghĩ xem có cách nào, chứ không thể để mãi thế được”.
Nhiều giáo viên vừa đi dạy nhưng vẫn phải nghĩ làm sao đảm bảo cuộc sống cho gia đình (Ảnh chỉ có tính chất minh họa) |
TS Trương Đình Thăng cho rằng đứng trên góc độ của quản lý, giáo viên cần phải là những người cần toàn tâm, toàn ý cho công việc giảng dạy của mình. Tuy nhiên, mức lương như hiện nay vẫn khiến họ chưa yên tâm công hiến và tâm huyết với nghề.
Ông phân tích thêm rằng chính sách tiền lương còn nhiều bất cập dẫn đến khó duy trì nghiêm được tính kỷ luật, thứ bậc và không tạo được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo.
“Việc đãi ngộ về tiền lương, về các quyền lợi vật chất là điều rất quan trọng.
Xét trên lăng kính của Thuyết bậc thang nhu cầu của Maslow, khi giáo viên chưa được hài lòng với bậc thang nhu cầu thấp nhất (tiền lương/thu nhập) thì khó tạo động lực để cho họ hướng đến những nhu cầu cao hơn nhằm cống hiến hơn cho nghề, phát triển hết khả năng đóng góp của họ. Maslow cho rằng, chỉ khi đáp ứng được những nhu cầu thấp thì mới xuất hiện và thúc đẩy nhu cầu cao hơn, trong đó có nhu cầu “thể hiện mình”, là nhu cầu con người muốn cống hiến trong công việc chỉ với mục đích được tổ chức hoặc xã hội công nhận.
Vì vậy, chính sách cho giáo viên (kể cả những ngành nghề khác) cũng cần hướng đến mục tiêu đó.
Thực tế là có rất nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức của giáo viên, ví dụ như không thực hiện hết trách nhiệm ở trên lớp để ép buộc học sinh học thêm.
Ngoài lý do như “không trau dồi về đạo đức của nhà giáo”, “không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của giáo viên” thì có một thực tế cần chỉ rõ: mức lương của giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống là một trong những yếu tố trực tiếp dẫn đến hiện tượng xấu trong giáo dục.
Vị thế giảm sút không chỉ vì lương thấp
Gửi phản hồi về VietNamNet, một độc giả cho rằng chỉ khi thầy cô sống dư giả với thu nhập chính đáng của Nhà giáo, chỉ khi đó mới có sự tôn kính thực sự của xã hội. Còn nếu thầy cô vẫn phải bươn chải đâu đó ngoài kia để lo cho cuộc sống gia đình mình, thì sự tôn kính còn rất xa vời.
Mặc dù nhìn nhận “khó khăn lớn nhất trong việc được sống xứng đáng như một người thầy là chế độ lương, khi lương người thầy không đủ để lo những nhu cầu sống và làm việc thiết yếu nhất, khiến họ vẫn phải chật vật xoay xở vì miếng cơm manh áo, thì người ta dễ sinh tật, dễ đánh mất mình”, nhưng GS.TS Trần Đức Viên còn cho rằng có một tâm lý khác đáng lo ngại đang tồn tại hiện nay, ảnh hưởng đến vị thế người thầy ngày nay.
“Đó là tâm lý xem mối quan hệ thầy - trò là quan hệ mua bán sòng phẳng theo qui luật cung cầu, qui luật giá trị là rất đáng lo ngại ở xã hội ta, bởi chính ở các nước nơi là cái ‘nôi’ của nền kinh tế thị trường cũng không có cách nhìn nhận như thế đối với giáo dục.
Ngay cả ở Mỹ, nơi có hệ số lương trả cho nhà giáo khá thấp so với các ngành nghề khác, vị thế xã hội của nhà giáo cũng rất đàng hoàng. Điều đó chứng tỏ, thang bậc giá trị của xã hội ở các nước đó không căn cứ vào thu nhập của cá nhân” – thầy Viên chia sẻ.
Với thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie thì “Người ta có thể đổ lỗi cho lương của giáo viên không đủ sống, do đó phải bằng nhiều cách để có thêm thu nhập. Nhưng lý do này chỉ đúng một phần.
Ngày xưa, lương của giáo viên cũng không đủ sống. Ngày nay, lương của viên chức nhà nước, trong đó có giáo viên, cũng không đủ sống. Do đó, theo tôi, vị thế của người thầy nếu giảm sút không thể chỉ vì lương thấp”.
Thầy Khang muốn nhắn nhủ các đồng nghiệp trẻ tuổi rằng, không có cách nào khác, vị thế của người thầy phải do chính người thầy tạo nên, được xã hội suy tôn, chứ không phải là sự ban tặng.
Phương Chi - Thanh Hùng
Khi ai cũng có thể ‘ra tay’ với người thầy
Giáo viên bị tổn thương bởi không chỉ bị phụ huynh, học sinh mà nhiều khi bị chính những đồng nghiệp của mình coi nhẹ.
Lấy lại sự tôn kính cho nghề giáo
Số ít thầy cô làm sai, nhưng do ấm ức làm giọt nước tràn ly, sự việc bị đẩy đi xa, càng bùng nổ trên mạng xã hội, có lúc tưởng như quật nhào biểu tượng cao quý của người thầy.