Điều đáng tiếc của Vinaxuki là chạy theo giấc mơ xe hơi Việt khi đã thành công với dòng xe tải.

Vinaxuki của ông Bùi Ngọc Huyên từng dẫn đầu thị trường trong nước đối với dòng xe tải hạng nhẹ. Ngày đó, nhà máy Vinaxuki ở Thanh Hóa nhộn nhịp ngày đêm để cho ra thị trường những chiếc xe tải gắn với tên tuổi ông Huyên.

Tuy nhiên, sai lầm về chiến lược phát triển cùng những lý do khách quan khác đã khiến tên tuổi của Vinaxuki rơi dần vào quên lãng. Ông Bùi Ngọc Huyên đã không còn tập trung cho dòng xe tải mà theo đuổi giấc mơ sản xuất ô tô Made in Vietnam trong bối cảnh thị trường đã có sự hiện diện của những “ông lớn” ngoại có tuổi đời cả trăm năm.

Đã có thời điểm, ông Huyên đem chiếc xe hơi đầu tiên của mình đến tham dự triển lãm ô tô tại Triển lãm Giảng Võ. Sự kiện này từng tạo tâm lý hy vọng xen lẫn tự hào, kỳ vọng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, “đứa con tinh thần” của ông Huyên dù chào đời nhưng mãi mãi không được làm giấy “khai sinh” dù khi đó ông chủ của Vinaxuki từng nhiều lần phản biện chính sách phát triển công nghiệp ô tô.

Ông Bùi Ngọc Huyên, người dành cả sự nghiệp cho ngành ô tô, bên "đứa con tinh thần" dù chào đời nhưng không được khai sinh.

Xuất phát từ nhà máy sản xuất khuôn mẫu và phụ tùng ô tô, tháng 4/2004, Vinaxuki được Thủ tướng Chính phủ cấp giấy phép sản xuất, lắp ráp xe ô tô các loại.

Theo công suất thiết kế, nhà máy có thể sản xuất ra 30 nghìn xe/năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 9.000 lao động. Vinaxuki có thể nội địa hóa xe 4 chỗ với tỷ lệ 50%, xe tải trên 40%.

Giai đoạn 2011-2012, ông Huyên từng lên kế hoạch bán cổ phần nhà máy tại Thanh Hóa cho hai nhà đầu tư sản xuất xe khách và xe tải nhẹ. Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên thì mời nhà đầu tư vào phát triển thành cụm công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô. Còn nhà máy ở Vĩnh Phúc sản xuất thân, vỏ xe hình thành chuỗi sản xuất liên tục.

Tuy nhiên, việc các ngân hàng đồng loạt dừng cho vay giữa chừng vì khoản nợ hơn 1.400 tỷ đồng của Vinaxuki đã khiến doanh nghiệp này phải hoạt động cầm chừng rồi sau đó đóng cửa hoàn toàn.

Năm 2015, Vinaxuki đã phải rao bán nhà máy ở Mê Linh để trả nợ, thậm chí bán phần lớn phế liệu, phụ tùng, máy móc để duy trì lương công nhân…

Nhà máy Vinaxuki Mê Linh bị bỏ hoang bấy lâu nay.

Trong hai năm 2017 và 2018, một ngân hàng đã bán tài sản đảm bảo là một số máy móc thiết bị trừ nợ nhưng vẫn còn lại số nợ lên đến 1.315 tỷ đồng. Một số đối tác tìm đến nhà máy gặp ông Huyên để đàm phán mua lại máy móc với giá… sắt vụn.

Được biết, một doanh nghiệp từng đề nghị mua lại toàn bộ các dây chuyền của nhà máy ô tô với giá 670 tỷ đồng để phát triển thương hiệu ô tô của họ, nhưng đáng tiếc đối tác này bất ngờ dừng kế hoạch.

Khi các đối tác lần lượt quay lưng, ông Huyên không thể bán tài sản để trả nợ ngân hàng. Do đó, mới đây nhất, ngày 20/02/2020 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ra thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ của Vinaxuki.

Theo đó, tài sản đấu giá là khoản nợ của Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Công ty Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Công ty Vinaxuki Thái Nguyên).

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm: Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội; Máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh; Quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; Tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.

BIDV công bố mức giá khởi điểm cho toàn bộ khối tài sản nói trên tương đương nợ gốc cộng lãi vay tính đến thời điểm BIDV thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên. (Tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/9/2019 là: 1.265.111.125.606 đồng).

Số phận của Vinaxuki khiến nhiều người không khỏi xót xa về một giấc mơ ô tô thương hiệu Việt, của người Việt, cho dù đến nay thị trường đã có xe hơi Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.