Ngoài cương vị là Giám đốc hãng viễn thông Pháp France Telecom tại Việt Nam, Chủ tịch Công ty FCR Việt Nam thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh với VNPT về điện thoại cố định, ông Jean Pierre Achouche còn là trưởng tiểu nhóm Viễn thông (Nhóm Cơ sở hạ tầng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam) được hai năm nay. Lúc này, ông đại diện cho lợi ích, quan tâm của các doanh nghiệp viễn thông quốc tế và có các cuộc gặp đa phương với quan chức Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các nội dung như việc thực hiện cam kết với WTO, tư vấn về xây dựng chính sách, thi tuyển cấp phép công nghệ di động thế hệ thứ 3 (3G). Nhưng cả ông và các thành viên trong nhóm đều không quên rằng, họ cũng là các đối thủ một mất một còn tại "đấu trường" Việt Nam.
Định vị và so găng
Điểm qua sơ sơ, cũng có đến chục hãng di động nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam. Chỉ ba trong số đó có hoạt động thông qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC): Comvik (Millicom) - MobiFone (BCC này đã hết hạn); SK Telecom - S-Fone; Hutchison Telecom - HT Mobile. Mới nhất là Vimpelcom - Gtel Mobile, nhưng qua con đường góp vốn cổ phần với tỷ lệ cổ phần lớn nhất (40%) trong một công ty di động Việt Nam.
Không tiếp cận với công chúng Việt Nam một cách ồn ào, các hãng di động nước ngoài tập trung vào xây dựng mối quan hệ với khu vực doanh nghiệp và Chính phủ thông qua nhiều hoạt động. Tuy vậy, năm ngoái được xem là năm sôi động với việc Vodafone, DoCoMo mở văn phòng đại diện; SingTel thắt chặt quan hệ với doanh nghiệp nhà nước thông qua thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); Chủ tịch, Tổng giám đốc Millicom, France Telecom... có các chuyến làm việc tại Việt Nam và trong lịch trình hoạt động không thể thiếu các cuộc tiếp xúc với quan chức Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Vào thời điểm mở văn phòng đại diện tại Hà Nội tháng Sáu năm ngoái, ông Arun Sarin, CEO Vodafone đã phát biểu rằng hãng này mới chỉ ở giai đoạn định vị tên tuổi trên thị trường Việt Nam. Việc hãng di động lớn nhất Nhật Bản NTT DoCoMo mở văn phòng tại Hà Nội năm ngoái cũng được coi là một sự kiện hướng ngoại đáng chú ý bởi hãng này trước đó mới chỉ đặt ba văn phòng đại diện ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Singapore.
Là một trong những hãng di động nước ngoài có mặt tại Việt Nam lâu nhất, Singapore Telecom (SingTel) có mối quan hệ chặt chẽ với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT). Lập văn phòng đại diện ở Hà Nội năm 1998, tháng 3/2000, cùng VNPT xây dựng tuyến cáp quang biển quốc tế SMW3, tháng 7/2000, trở thành nhà cung cấp đầu tiên dịch vụ truyền dữ liệu Frame Relay ở Việt Nam (cùng với Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC) và tiếp tục trở thành hãng tiên phong tại Việt Nam cung cấp dịch vụ IP VPN vào Việt Nam cùng với VDC vào tháng 10/2003. SingTel còn đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC, trao đổi kinh nghiệm quản lý tập đoàn, cổ phần hóa, phát triển trong lĩnh vực đầu tư và ngành viễn thông.
Cơ hội vẫn phải chờ
Hiện Việt Nam đã có đến 7 mạng di động. Trong khi cuộc tranh luận con số này là nhiều hay ít vẫn đang diễn ra, thì đối với các hãng di động nước ngoài, Việt Nam vẫn đang là một thị trường được săn đón. Mới đây nhất, trong một trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Bloomberg tại Singapore, ông Toshinari Kunieda, Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách kinh doanh toàn cầu của DoCoMo tuyên bố muốn thiết lập đối tác với nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam có giấy phép 3G và đang chờ xem xét ai sẽ giành được giấy phép này.
So với Trung Quốc, một thị trường có nhiều tương đồng thì Việt Nam vẫn được các hãng di động nước ngoài đánh giá là có cơ hội hơn. Điển hình nhất là sự xuất hiện của "người chơi" mới Vimpelcom với 40% cổ phần trong công ty di động Gtel, trong khi ở Trung Quốc, chưa có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm giữ quá 7% ở các công ty viễn thông.
Ông Achouche cho biết, điều ông quan tâm nhất hiện nay là sự kiện cổ phần hóa MobiFone. France Telecom đã đến Việt Nam và chờ đợi trong suốt 10 năm. Theo ông Achouche việc cấp phép 3G có ảnh hưởng đến cổ phần hóa MobiFone vì giá trị một doanh nghiệp có giấy phép 3G hay không rất khác. Trong khi đó, theo dự đoán khả năng việc cấp phép 3G diễn ra trước khi MobiFone hoàn tất cổ phần hóa và France Telecom cũng không cho biết có hay không mua cổ phần MobiFone nếu mạng này không giành được giấy phép 3G dù vẫn khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi MobiFone.Các hãng di động có mặt tại Việt Nam:
Telenor (Na Uy): Hơn 143 triệu thuê bao di động toàn cầu (2007)
Vodafone (Anh): 260 triệu thuê bao toàn cầu (3/2008)
Millicom International Cellular S.A (Thụy Điển): 28,5 triệu thuê bao toàn cầu (Quý II/2008)
Singapore Telecom (Singapore): Hơn 185 triệu thuê bao toàn cầu
NTT DoCoMo (Nhật Bản): 53,7 triệu thuê bao tại Nhật Bản (7/2008)
Vimpelcom (Nga): 52,3 triệu thuê bao (hết quý II/2008).
Hutchison Telecom (Hong Kong): Hơn 10 triệu thuê bao (31/3/2008 – Cung cấp cả dịch vụ điện thoại cố định và di động)
France Telecom (Pháp): 113,8 triệu thuê bao (30/6/2008)
SK Telecom (Hàn Quốc): Khoảng 28 triệu thuê bao (tại Hàn Quốc, Mỹ, Việt Nam – nguồn do SK Telecom Việt Nam cung cấp)
Nguồn: Trích từ website chính thức của các hãng viễn thông
Các hãng di động khác tỏ ý quan tâm đến thị trường Việt Nam:
China Mobile – Hãng di động lớn nhất Trung Quốc và lớn nhất thế giới xét về thuê bao
Bharti Airtel – Hãng di động lớn nhất Ấn Độ
Chunghwa Telecom – Hãng di động lớn nhất Đài Loan
Lê Hạnh
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 72 ra ngày 15/8/2008