Vào tháng 5/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của nhóm bị cáo từng tiếp tay cho nữ đại gia Nguyễn Thị Mai Anh (SN 1979, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) lừa đảo các ngân hàng.

Các bị cáo này gồm Đỗ Thành Trung (SN 1978, ở Thanh Xuân, cựu cán bộ công an), Trần Ngọc Lệ (SN 1982, ở Ba Vì) và Phùng Quốc Tú (SN 1986, ở Hoàn Kiếm).

Theo cáo buộc, bà Mai Anh thành lập các công ty A&T, Tân Thiên và T76, để người khác đứng tên nhằm tạo lập các hợp đồng. Từ năm 2008- 2010, nữ đại gia thuê người làm giả giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, hợp đồng góp vốn dự án Star City 2, giấy đăng ký ô tô.

Dưới sự chỉ đạo của bà Mai Anh, các bị cáo Trung, Lệ, Tú và Lê Anh Tuấn (SN 1976) ký kết các hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, ô tô, hợp đồng ủy quyền, thế chấp tài sản chiếm đoạt tiền của các tổ chức tín dụng và cá nhân. CQĐT xác định bị cáo này giúp sức cho bà Mai Anh chiếm đoạt số tiền hơn 28 tỷ đồng.

Tháng 8/2017, TAND TP Hà Nội xử phạt Trung 16 năm tù, Lệ 13 năm tù, Tú 12 năm tù và Tuấn 9 năm tù. Thời điểm đó, trong khi những người giúp sức phải nhận án tù, riêng bà Mai Anh chưa bị xử lý do đang chữa bệnh tâm thần.

Cho đến tháng 2/2020, Công an TP Hà Nội đã thu thập đủ tài liệu chứng cứ để xác định hành vi lừa đảo của bà Mai Anh. Theo đó, từ năm 2018 - tháng 6/2019, nữ đại gia thuê một số đối tượng làm giả các kết luận giám định tâm thần, biên bản pháp y tâm thần, các công văn, giấy tờ của Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa...

Từ đó, lập hồ sơ giả bệnh án tâm thần của một số phạm nhân, đối tượng có tiền án, tiền sự nhằm giúp các đối tượng này trốn sự trừng phạt của pháp luật.

Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Mai Anh về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Tuy nhiên, nữ đại gia này đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Ngày 17/2, Cơ quan công an ra quyết định truy nã đối với Mai Anh về tội danh nêu trên.

Nữ đại gia và lời xui khiến “phải im lặng”

Trong một diễn biến khác, cáo buộc cho rằng, năm 2010, Công ty United Arab Shipping Company (UASC) thuộc Các tiểu Vương quốc Ả-rập liên hệ với công ty Cascon của bà Nguyễn Hồng Anh (tức Lisa Nguyen, SN 1974, ở Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ công ty Cascon) thỏa thuận mua 10.000 container.

Bà Hồng Anh sau đó đã sử dụng các tài liệu là hợp đồng mua bán hàng hóa, phụ lục hợp đồng, biên bản ghi nhớ và phương án kinh doanh để vay của Vietcombank hơn 31 triệu USD.

Công ty Cascon sản xuất và chuyển giao đủ số lượng 9.000 container cho UASC. Đến ngày 3/1/2012, UASC đã thanh toán đủ số tiền 39,1 triệu USD tiền hàng. Tuy nhiên, bà Hồng Anh chỉ chuyển trả Vietcombank 11,3 triệu USD.

Cáo trạng xác định, thời điểm truy tố, nguyên TGĐ Cascon còn phải trả ngân hàng 16,7 triệu USD (tương đương 353,1 tỷ đồng).

Ngoài ra, từ năm 2010 đến 2011, nữ đại gia đã lần lượt ký 2 hợp đồng tín dụng với Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC) để vay 30 tỷ đồng. Sau đó, bị cáo đã tự ý bán các tài sản thế chấp, thu về 38 tỷ đồng, đưa hết vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và mất khả năng thanh toán.

Tháng 10/2012, bà Nguyễn Hồng Anh bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày 27/1/2015, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo mức án 17 năm tù.

Đến ngày 13/6/2016, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hồng Anh, hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP Hà Nội.

Đến ngày 5/4/2017, phiên tòa sơ thẩm được mở lại. Tại phiên toà này, nữ đại gia khóc nức nở và nói nhảm, cho rằng, vào nửa đêm, có tiếng gọi trong đầu bảo bà ta phải im lặng... Biểu hiện của nữ đại gia khiến HĐXX khi đó phải cho hoãn tòa với lý do, sức khỏe bị cáo không ổn định.

Gần đây nhất, ngày 4/10, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM); Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương) và đồng phạm.

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp

Trong vụ án này, nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp bị toà án cấp sơ thẩm tuyên án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau phiên sơ thẩm, bà Dương Thị Bạch Diệp có đơn kháng cáo kêu oan.

Tại phiên toà phúc thẩm, luật sư của nữ đại gia cho biết, từ khi bị tạm giam, bà Diệp liên tục được trại giam T16 đưa đi cấp cứu, phải điều trị trong suốt thời gian dài. Gần đây, Bệnh viện 30/4, có giấy chuyển bà Diệp tới Bệnh viện tâm thần TP.HCM để khám bệnh, đề nghị kiểm tra tâm thần vì nữ đại gia liên tục có dấu hiệu hoảng loạn. Bệnh viện 30/4, Bộ Công an đã có xác nhận về tình trạng bệnh tật của bà Diệp.

Luật sư kiến nghị việc ban hành Quyết định trưng cầu giám định bắt buộc đối với bà Diệp theo yêu cầu của Bệnh viện 30/4. Sau khi hội ý, HĐXX thông báo, sẽ triệu tập gấp những bác sĩ khám bệnh cho bị cáo Diệp tại Bệnh viện 30/4 và triệu tập 1 bác sỹ chuyên khoa tới khám, chữa bệnh cho bị cáo tại tòa.