Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hữu Đức (Đà Nẵng) do đã có hành vi tạo cung cầu giả tạo, làm giá cổ phiếu.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 4/1/2022 đến 17/6/2022, ông Nguyễn Hữu Đức đã sử dụng tài khoản chứng khoán của chính mình và 75 tài khoản của 21 nhà đầu tư để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu của CTCP Địa ốc First Real (FIR) nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu

thaotungchungkhoan.gif
Tình trạng vi phạm trên thị trường chứng khoán khá nhiều cho dù trong vài năm qua các cơ quan chức năng đã theo sát và có nhiều quyết định xử phạt mạnh tay.

Tuy nhiên, UBCK cho biết, kết quả kiểm tra, tính toán khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm của ông Nguyễn Hữu Đức cho thấy không có khoản thu trái quy định.

Do vậy, ông Nguyễn Hữu Đức bị xử phạt hành chính 1,5 tỷ đồng và bị cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm, kể từ ngày 8/11/2023. Đồng thời, ông cũng bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn 2 năm.

Tuần qua, UBCK cũng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS, có trụ sở tại Toà nhà FLC Land Mark Tower, Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

CFS bị phạt 92,5 triệu đồng đối với hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật, gồm nhiều báo cáo tài chính…

CFS còn bị phạt 150 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin sai lệch về phát sinh giao dịch với các bên liên quan là Công ty TNHH Hải Châu, CTCP Nông dược HAI, CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone, CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

Hồi háng 10, UBCK cũng đã phạt bà Nguyễn Thị Thơm (Đống Đa, Hà Nội) 1,5 tỷ đồng vì sử dụng 9 tài khoản bao gồm 1 tài khoản của mình và 8 tài khoản của các nhà đầu tư khác để liên tục mua, bán cổ phiếu CTCP Đầu tư và Sản xuất Bảo Ngọc (BNA).

Đầu tháng 11 vừa qua, sau khi có kết luận về vụ Trịnh Văn Quyết, Bộ Công an đã có nhiều khuyến nghị đến cơ quan chức năng liên quan tới thị trường chứng khoán. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chỉ ra được các sơ hở, thiếu sót trong quy định của pháp luật về hoạt động chứng khoán và thủ đoạn các đối tượng phạm tội lợi dụng chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Theo đó, các đối tượng đã lợi dụng việc mở tài khoản chứng khoán một cách dễ dàng, không kiểm soát, rồi thuê, nhờ người khác đứng tên mở hộ tài khoản để sử dụng mua bán, tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao, bán ra thu lợi bất chính.

Bên cạnh đó, lợi dụng sơ hở trong quá trình kiểm soát vay vốn theo hình thức hợp tác đầu tư, lợi dụng công ty chứng khoán và công ty thứ ba để lách luật ký hợp đồng cho khách hàng vay (dưới hình thức hợp tác đầu tư góp vốn khác) với lãi suất hưởng cố định để thu lợi, các đối tượng có nguồn tiền giao dịch, mua bán, đẩy giá, thao túng mã chứng khoán để thu lợi bất chính.

Nhiều đối tượng còn đứng sau các công ty, doanh nghiệp thao túng các hoạt động đấu thầu, đấu giá; thao túng thị trường chứng khoán... gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư....

Các đối tượng cũng triệt để lợi dụng việc thiếu kiểm soát hoạt động mạng xã hội, thành lập nhiều nhóm, hội kín để hô hào, kích động, lôi kéo nhà đầu tư, từ đó điều khiển tâm lý và thao túng thị trường, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư…

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục kiểm tra, xác minh, làm rõ các đối tượng, hành vi có dấu hiệu “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cùng các hành vi tương tự để kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn, tạo niềm tin, tâm lý ổn định cho các nhà đầu tư.