Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng phản ánh rằng, một trong những khó khăn lớn nhất của các địa phương khi thuê dịch vụ CNTT chính là chưa có quy định về giá thuê.
Điều này khiến cho UBND các tỉnh, thành phố lúng túng, ngại ngần trong việc thuê dịch vụ CNTT do không thể xác định được giá thuê mà doanh nghiệp đưa ra là cao hay thấp, có phù hợp với quy định hay không, ông Hùng phân tích tại Hội nghị Giao ban QLNN Quý I/2016 của Bộ TT&TT sáng 27/4.
Hiện tại, thực hiện Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử cũng như Quyết định 1819 ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, VNPT đang phối hợp với Cục Bưu điện Trung ương triển khai nâng cấp mạng cấp 1 và cấp 2, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành nâng cấp mạng với hơn 4.000 điểm kết nối trên cả nước.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng trực tiếp phụ trách mảng CNTT, trong đó có nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, của Bộ TT&TT. Ảnh: Thái Anh |
Tập đoàn cũng tư vấn xây dựng chính quyền điện tử theo Nghị quyết 36a cho nhiều địa phương và đã triển khai thí điểm giải pháp CPĐT do mình tự phát triển cho nhiều UBND tỉnh, thành phố như Nam Định, Tiền Giang, Bến Tre… Đồng thời, VNPT cũng đã hợp tác với các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục & Đào tạo triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến, tư vấn xây dựng chuyên trang Chính phủ điện tử.
Mặc dù vậy, ông Hùng thừa nhận giá thuê "thực sự là một khó khăn". "Do chưa có hướng dẫn từ Bộ Tài chính nên danh chính ngôn thuận là các Bộ, ngành, địa phương vẫn phải... chờ". Việc cùng nhau chờ như vậy, theo ông, là rất mất thời gian và không hiệu quả cho cả xã hội, cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp.
Giải pháp mà vị đại diện VNPT đưa ra là nên tạm giao cho UBND các tỉnh, thành phố tự quyết định giá thuê dịch vụ. "Một số tỉnh có điều kiện sẽ có thể chi trả cao hơn, còn các tỉnh khó khăn quá thì doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ. Sau này khi có đủ thời gian, số liệu, hướng dẫn từ các Bộ liên quan, chúng ta có thể quay lại xác định giá thuê chính xác sau", ông Hùng đề xuất.
Trên thực tế thì phát triển Chính phủ điện tử đang là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ "tâm điểm" của Chính phủ trong năm 2016. Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm 2/4 vừa qua, Thủ tướng đã nhắc Bộ TT&TT chủ trì vấn đề Chính phủ điện tử, do đó, tất cả các đơn vị liên quan, doanh nghiệp thuộc Bộ đều cần phải lưu tâm đến nhiệm vụ này.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, người trực tiếp phụ trách lĩnh vực CNTT cũng chỉ đạo Trung tâm Thông tin tích cực, chủ động đôn đốc các đơn vị trong Bộ triển khai Kế hoạch của Bộ TT&TT về thực hiện Nghị quyết 36a, trong đó có một loạt vấn đề cần quan tâm trong giai đoạn trước mắt như: liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ; triển khai các dịch vụ công trực tuyến; Đặc biệt, cần tập trung vào một số cơ chế chính sách Bộ TT&TT được Chính phủ giao trong Nghị quyết 36a như liên quan đến vấn đề thuê dịch vụ CNTT hay các cơ chế ưu đãi, đãi ngộ phát triển nguồn nhân lực.
T.C