- Nhiều trẻ theo phương pháp giáo dục sớm hoặc được dạy ở nhà đã đọc chữ thành thạo, biết làm toán, thậm chí đọc tiếng Anh vanh vách…
Có một số phụ huynh đã nghĩ đến chuyện cho con đi học trước tuổi dựa vào năng lực và nguyện vọng của con.
Ngoài câu chuyện có nên cho con học sớm hay không, quy định hiện hành và cũng chưa "mở cửa" với những bậc phụ huynh này.
Trên một diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ có tới hơn 70 nghìn thành viên, nguyện vọng cho con đi học sớm trước tuổi của một bà mẹ có con sinh năm 2012 đang là đề tài tranh luận sôi nổi.
Những phụ huynh muốn con đi học sớm
Bà mẹ này cho biết, con chị học mầm non giáo dục sớm, con tiếp thu nhanh các kiến thức Toán, tiếng Việt, tiếng Anh, đàn piano, cờ vua… Gần như tất cả các môn mà phụ huynh cho con tiếp cận con đều tiếp thu tốt và được giáo viên đánh giá cao. Vì thế, bản thân con có nguyện vọng được học lớp 1 và sau một thời gian cân nhắc, gia đình xin cho bé học thử ở một trường tư.
Sự đầu tư của bố mẹ hiện nay giúp nhiều trẻ em có hiểu biết sớm. Ảnh minh hoạ: Nguyễn Thảo |
"Sau một tháng học cùng các bạn lớp 1, con luôn dẫn đầu lớp. Thậm chí con còn bảo dễ quá mẹ có thể xin cho con lên lớp 2 luôn được không và con luôn nhận được lời khen từ giáo viên”.
Bà mẹ này chia sẻ, cô giáo cũng khuyên gia đình nên cho con học tiếp lên theo các bạn sinh năm 2011 thay vì cho học lại thêm một năm lớp 1.
Tuy nhiên, vì học sớm hơn độ tuổi quy định nên con chị sẽ không có học bạ lớp 1.
Và nếu con tiếp tục học tại trường thì khi con lên lớp 2, học bạ mới là lớp 1, và cứ như thế đến hết cấp học, con sẽ có một năm tạm nghỉ hoặc học 6 năm cấp 1.
Nhu cầu của bà mẹ này hiện tại là tìm một trường quốc tế ở Hà Nội chấp nhận cho con theo học đúng năng lực của mình, hoặc làm thế nào để xin được Sở Giáo dục cho phép con 5 tuổi được vào học lớp 1 theo đúng luật.
Chị Phạm Diễm Ngọc cũng là một phụ huynh đã tìm đủ mọi cách để cho con đi học sớm.
Con chị sinh năm 2012 và đã theo học một trường mầm non theo phương pháp giáo dục sớm từ năm một tuổi rưỡi. Chị cho biết, hiện tại cháu đã đọc hiểu tiếng Anh tốt, có thể đọc truyện tiếng Việt, làm toán nhân chia lên tới hàng nghìn, cộng trừ đã thông thạo tới hàng tỷ.
Chị Ngọc đã tìm hiểu khá kỹ về việc cho con đi học lớp 1 trước tuổi và đưa ra kết luận: việc đổi giấy khai sinh là bất khả thi vì tên tuổi của con đã có trên hệ thống dữ liệu quốc gia, không thể thay đổi được. Nếu phụ huynh muốn đổi thì phải xin lại giấy chứng sinh từ bệnh viện, rồi mới ra phường. Còn nếu muốn con đi học sớm một cách hợp pháp mà không phải đổi giấy khai sinh, phụ huynh phải được Sở Giáo dục xác nhận bằng cách đánh giá về mặt trí tuệ và thể chất của trẻ.
“Nhưng vì việc này quá phức tạp nên có lẽ chưa gia đình nào làm” – chị Ngọc nói.
Cũng có con đang đi học trước tuổi ở một trường song ngữ, trường hợp của chị Lê Hương Lan có phần khác. Ban đầu, chị chỉ có ý định cho con đi thi thử vào trường cho biết, đợi năm sau thi thật, nhưng ai dè con đỗ luôn.
“Sau đó, các con có một buổi gặp cô hiệu trưởng để cô kiểm tra IQ một lần nữa. Nhận thấy cháu đủ điều kiện về thể chất và trí tuệ, nên trường nhận cháu. Hiện tại, con đang học lớp 3 và cho tới giờ thì con chưa gặp khó khăn gì về việc theo kịp kiến thức với các bạn”.
Chị Lan chia sẻ, đôi lúc chị cũng thấy tiếc khi cho con đi học sớm, vì đáng lẽ ra một năm ấy con đã có thể có thêm thời gian để luyện piano với thầy giáo cũ ở trường. Tuy nhiên, chị cho rằng việc đi học lớp 1 có vất vả hay không là do bố mẹ.
“Mình viết đơn xin cho con không phải làm bài tập về nhà, nên thời gian biểu của con không thay đổi, vẫn đi ngủ lúc 9 giờ. Mình cũng không so sánh con với các bạn, nên khá thoải mái. Chữ con viết xấu, mình cũng trao đổi với cô chủ nhiệm để cô không ép con tập viết đẹp”.
Nhiều trường song ngữ và quốc tế trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM cho biết, họ không nhận học sinh học sớm trước tuổi. Ảnh minh họa: Nguyễn Thảo |
Và điều quan trọng nhất với chị là trước khi đi học, con cũng chưa biết đọc biết viết nên con rất hào hứng đi học, chứ không tỏ ra chán chường vì phải học lại những kiến thức mà con đã biết cả rồi.
Nhà trường "không nhận"
Liên hệ với một số trường song ngữ và quốc tế trên địa bàn Hà Nội, đại diện từ bộ phận văn phòng hoặc tuyển sinh của các trường này đều nói rằng, họ không nhận những học sinh đi học sớm trước tuổi quy định theo hướng dẫn tuyển sinh của Sở GD-ĐT Hà Nội hằng năm.
Đại diện từ văn phòng tuyển sinh của một trường quốc tế Nhật Bản cho hay, mặc dù trường này không chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT và nếu muốn vẫn có thể nhận học sinh nhập học trước tuổi, tuy nhiên “tinh thần của các thầy cô người Nhật Bản ở đây là không nhận học sinh đi học sớm trước tuổi”.
Tại TP.HCM, tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng với hệ thống các trường quốc tế như Hệ thống Trường Mầm non Quốc Tế Sài Gòn Academy – SGA; Hệ thống Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế - iSchool; Hệ Thống Trường Quốc tế song ngữ Học Viện Anh Quốc - UK Academy; Hệ thống Trường Quốc tế Bắc Mỹ - SNA cho biết không nhận học sinh vào lớp 1 trước tuổi, mà nhận theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Trên cổng thông tin tuyển sinh Trường dân lập quốc tế Việt Úc cũng công bố chỉ nhận học sinh lớp 1 đúng tuổi theo quy định của Bộ GD-ĐT. Còn Trường quốc tế Singapore thì cân nhắc xếp lớp học sinh theo độ tuổi, kết quả kiểm tra đầu vào và sĩ số hiện tại của các lớp.
Cùng quan điểm với các trường trên, Trường Quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội (UNIS) cũng cho biết, trường này không nhận học sinh đi học sớm, tuy nhiên cách tính tuổi đi học của trường UNIS có phần khác biệt so với hầu hết các trường ở Việt Nam.
Trường này lấy mốc 31/8 để tính tuổi của học sinh. Ví dụ, những em sinh từ ngày 1/9/2010 đến 31/8/ 2011 sẽ được tính là đủ tuổi vào học lớp 1 năm học 2017-2018; còn những em sinh từ 1/9/2011 tới 31/8/2012 sẽ phải nhập học vào năm học sau.
Cách tính tuổi này cũng được áp dụng với nhiều trường học nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ. Chị Quỳnh Nga – một phụ huynh đang sinh sống ở bang Alabama, Mỹ - cho biết, con gái chị khi vào học mầm non cũng được tính tuổi theo mốc này. Bởi vì ngày khai giảng ở Mỹ cũng vào khoảng đầu tháng 9, nên đây là cách tính tuổi nhằm tránh việc các bé vẫn chưa đủ tuổi nếu sinh vào cuối năm nhưng lại phải học cùng các bé đã đủ tuổi.
Chương 5 điều 40 trong Điều lệ trường tiểu học về độ tuổi của học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành có quy định rõ: “Tuổi của học sinh tiểu học từ 6 đến 14 tuổi (tính theo năm). Tuổi vào học lớp 1 là 6 tuổi”, trừ những trường hợp đặc biệt như: trẻ là người dân tộc thiểu số, trẻ mồ côi, trong diện hộ nghèo, trẻ khuyết tật, từ nước ngoài về thì có thể nhập học muộn hơn.
Về vấn đề học vượt lớp, điều 40 cũng ghi rõ: “Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học”.
Nhưng để được học vượt học mẹ hoặc người giám hộ học sinh phải có đơn đề nghị với nhà trường. Từ đó Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn và đưa ra quyết định.
Như vậy có nghĩa là, học sinh có thể học vượt từ lớp 1 lên lớp 3, nhưng đầu vào lớp 1 vẫn phải đảm bảo đúng 6 tuổi như quy định. Bộ GD-ĐT không cho phép học sinh chưa đủ 6 tuổi vào lớp 1.
Nguyễn Thảo - Lê Huyền