- Dành hết 7 phút phát biểu thảo luận dự thảo Nội quy kỳ họp QH sửa đổi sáng nay để chia sẻ tâm tư với QH, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nói: Với quy trình hiện nay, mỗi lần thông qua một dự án luật là một lần “không bấm nút không được, bấm nút thì ấm ức”.

Đại biểu QH không được biểu quyết thay
Điểm danh để ĐBQH nghỉ nhiều thấy ngượng

Lý do ông Lịch đưa ra là các ĐBQH như ông không được đối thoại trực tiếp với ban soạn thảo, chỉ được nghe báo cáo của UB Thường vụ QH, "nghe xong đồng ý hay không cũng không được đối thoại lại".

“Ví dụ, chỉ một lát nữa thôi, chúng ta thông qua việc phân bổ ngân sách, giờ tôi đọc tài liệu còn nhiều chỗ chưa hiểu, chưa thể đồng tình nhưng không có thời gian để đối chất”, ông Lịch nói.

{keywords}
ĐB Trần Du Lịch. Ảnh: Hoàng Long

ĐB TP.HCM thẳng thắn đánh giá mức độ tranh luận ở kỳ họp này "đang có bước thụt lùi" so với các kỳ họp trước: Ở kỳ 9, khi còn thiếu mọi thứ, mỗi khi muốn tranh luận, ĐB cầm một tấm bảng và phất, ai phất mạnh thì Chủ tịch sẽ gọi. Nhưng giờ bấm nút như thế này thì với một vấn đề quan trọng, ĐB muốn nói cũng không có cách nào.

“Muốn phiên họp có chất lượng thì tranh luận phải đi đến cùng, ta cứ quy định hành chính theo kiểu chỉ được nói một phút, ba phút, rồi cứ nghe UB Thường vụ QH tiếp thu mãi thế này, tôi rất tâm tư”, ông Trần Du Lịch bày tỏ.

Ông cũng cho rằng thảo luận ở QH giống như công chức, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, đúng giờ là nghỉ dù vẫn còn nhiều ý kiến: "Vấn đề phải đặt lên trên hết chính là trách nhiệm. Đây chính là lúc nâng cao chất lượng hoạt động QH, đầu tư vật chất quá tốt rồi thì đừng nên có những quy định hành chính hoá”.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) chia sẻ: "QH ta cơ bản là QH tham luận, chưa chuyển sang tranh luận. Cần có quy định về điều hành phiên họp, để ĐB được thể hiện quan điểm, chính kiến của mình, khắc phục việc đứng lên đọc một bài chuẩn bị sẵn, mà đôi khi cả chục bài tương đối trùng nhau".

Phó bí thư, Chủ tịch HĐND TP. HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm có chung nhận định về tình trạng "QH tham luận". Bà đề nghị ghi vào nội quy "dành 1/3 thời gian để tranh luận, không quy định số lần tranh luận, đến hết thời gian thì thôi".

Bà Tâm cũng muốn thời gian chất vấn Thủ tướng phải được tăng lên "ít nhất một buổi", vì cử tri rất muốn nghe ý kiến của Chính phủ, của Thủ tướng về giải pháp cho những việc đại sự quốc gia.

ĐB kiêm nhiệm vắng mặt là dễ hiểu?

Ông Quyền cũng cho rằng QH cần công bố công khai danh tính các ĐBQH biểu quyết hay không biểu quyết, để họ thể hiện rõ và chịu trách nhiệm về quan điểm của mình trước nhân dân, cũng là thể hiện bản lĩnh của ĐBQH.

"Điều này các nước làm lâu rồi. Nên quy định để nhân dân biết, vì biểu quyết là một trong những hoạt động quan trọng nhất của ĐBQH trong thể hiện quan điểm, chính kiến của mình", Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH nói. 

Phó đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà ủng hộ đề xuất công khai danh tính này. 

{keywords}
Bảng điện tử QH hiển thị kết quả biểu quyết thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016, diễn ra cuối phiên họp QH sáng nay. Ảnh: Chung Hoàng 

Tuy vậy, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) lưu ý với việc trên 2/3 ĐBQH là kiêm nhiệm thì "vắng mặt là dễ hiểu vì lo giải quyết công việc khác".

ĐB Trần Du Lịch phân tích: "Ví dụ một ĐB là chủ tịch tỉnh, nếu yêu cầu ông ấy có mặt 6 tuần ở kỳ họp thì công việc ở địa phương ra sao? Nếu mọi việc ở địa phương vẫn trôi chảy, chứng tỏ ông chủ tịch đó là 'người thừa'. Nhưng nếu ông ấy nhất định phải về giải quyết công việc ở địa phương thì lại vướng cơ chế quy định của QH".

Dự thảo Nội quy kỳ họp QH sửa đổi dự kiến được biểu quyết thông qua cuối kỳ họp này.

Chung Hoàng