Ngày 10/4/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Trong đó, đề nghị Ban cán sự Đảng TAND Tối cao lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong tổ chức và thực hiện Chỉ thị để “kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu”.
Bên cạnh đó “khẩn trương rà soát, hoàn thiện Chính sách pháp luật, bổ sung chế tài xử lý vi phạm”.
Đồng thời, tại Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ “kiến nghị TAND Tối cao rà soát, hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định của BLHS trong xử lý hành vi liên quan đến khai thác thuỷ sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài”.
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất các quy định của BLHS cũng như đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”, không làm giảm uy tín, vị thế, hình ảnh của quốc gia…, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản”.
Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 12/6/2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2024.
Tháo gỡ khó khăn trong xử lý vi phạm
Theo ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao, thời gian qua, lợi dụng việc thiếu hiểu biết pháp luật, hoàn cảnh khó khăn của ngư dân, một số đối tượng đã tổ chức, môi giới đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam. Nhưng việc xử lý ngay hành vi đánh bắt trái phép hải sản là rất khó khăn.
Ông Nguyễn Trí Tuệ cho rằng, Nghị quyết 04 là tiền đề xử lý hành vi này khi chúng ta chưa có cơ sở để xử lý hành vi đánh bắt hải sản trái phép. Đây chính là tháo gỡ khó khăn cho các địa phương khi gặp phải các tình huống này.
Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn cụ thể, rõ ràng các hành vi trái phép này, đây là hành lang pháp lý áp dụng thống nhất trong việc xử lý các hành vi khai thác trái phép thủy sản ở vùng biển Việt Nam. Các địa phương, các cơ quan tố tụng sẽ áp dụng Nghị quyết này để xử lý.
Nghị quyết này không chỉ có tính răn đe, xử lý nghiêm mà còn có tính phòng ngừa, tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân, để cho ngư dân, bà con còn biết, tránh sai phạm.
Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao lưu ý rằng, Nghị quyết 04 đưa ra các điều luật chỉ xử lý những người chủ tàu, hoặc những người tổ chức kết nối. Còn đối với ngư dân thì không xử lý, trừ trường hợp ngư dân đi trên tàu cá, trốn ở lại nước ngoài trái phép thì có thể xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ, thực tiễn cho thấy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi hợp thức hóa nguồn gốc thủy sản vẫn còn khó khăn, vướng mắc cho cơ quan tố tụng. Hành vi này chưa có hướng dẫn cụ thể nên còn lúng túng trong việc áp dụng pháp luật và xử lý trách nhiệm hình sự.
Ông Nguyễn Trí Tuệ cho hay: “Sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, hành vi gian lận nguồn gốc thủy hải sản để nhập khẩu, xuất khẩu thì gắn với hành vi gần nhất là hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ, nguồn gốc thủy sản xuất khẩu, là hành vi gian lận thương mại. Do vậy Nghị quyết 04 đã có hướng dẫn, đề xuất xử lý hành vi này là hành vi lừa dối khách hàng”.
Vẫn theo ông Nguyễn Trí Tuệ, vươn khơi bám biển là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Mỗi một ngư dân là một chiến sỹ bảo vệ chủ quyền biển đảo, do vậy chúng ta luôn động viên ngư dân khai thác thủy sản hợp pháp và Nhà nước sẵn sàng bảo hộ.
Do vậy Nghị quyết 04 ra đời không ảnh hưởng gì đến chính sách của Nhà nước, bởi chúng ta chỉ xử lý hành vi vi phạm khai thác trái phép. Nghị quyết cũng nêu rõ, khai thác trái phép thì mới bị xử lý.
Lê Nhung