Ngày 23/11, ghi nhận của PV.VietNamNet, nhiều trục đường kinh doanh sầm uất của TP Đà Nẵng như Nguyễn Văn Linh, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám, đường 2/9… nhan nhản biển cho thuê mặt bằng. Trước đây, để tìm được một vị trí kinh doanh tại tuyến đường đắc địa này không hề đơn giản mặc dù giá thuê rất đắt đỏ. 

Treo biển cả năm vẫn chưa tìm được khách thuê

Tại đường Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu), mức giá cho thuê phổ biến từ 70- 200 triệu đồng/tháng. Ví dụ, một căn nhà 5 tầng, mặt tiền 5m, giá cho thuê 80 triệu đồng/tháng; mặt bằng 9x23m, giá cho thuê 100 triệu đồng/tháng; nhà diện tích 200m2, mặt tiền 10m giá thuê 170 triệu/tháng; mặt tiền 16m giá thuê 260 triệu đồng…

Thế nhưng hiện nay, mặt bằng bỏ trống la liệt, có những nơi treo biển cả năm vẫn chưa tìm được khách.

Điển hình như căn nhà 4 tầng, có thang máy, diện tích hơn 105m2 ở đường Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu). Trước đây căn nhà này là trung tâm tiếng Anh, giá thuê 45 triệu đồng/tháng. Chủ nhà giảm giá sâu còn 25 triệu đồng/tháng nhưng vẫn “dài cổ” đợi khách hơn cả năm nay.

W-mat-bang3-1.jpg
Hai ngôi nhà trên đường Nguyễn Văn Linh treo biển cho thuê thời gian dài nhưng vẫn chưa tìm được khách

Bỏ trống mặt bằng đã hơn 2 tháng, anh Hoàng, chủ mặt bằng cho thuê trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chia sẻ, khách thuê đã trả mặt bằng dù mới kinh doanh ở đây chưa đầy một năm. 

“Cơ sở chính của họ ở trong TP.HCM phá sản nên ở đây họ cũng trả lại mặt bằng. Trước đây tôi cho họ thuê 40 triệu đồng/tháng với diện tích 80m2/sàn, 3 tầng”, anh Hoàng cho hay.

Theo anh Hoàng, dù treo biển đã vài tháng nay nhưng không có nhiều khách hỏi thuê. Để nhanh chóng tìm được khách, anh sẵn sàng giảm giá xuống 25 triệu đồng/tháng cho người thuê và đặc biệt cho đóng tiền từng tháng. Còn trước đây, người thuê phải thanh toán trước tiền cả năm hoặc ít nhất là 6 tháng một lần.

“Thời buổi khó khăn mình cũng phải chia sẻ để cùng nhau vượt qua giai đoạn này. Còn sang năm nếu tình hình kinh tế ổn hơn thì tính tiếp”, anh Hoàng hy vọng.

Cuối năm, thi nhau trả mặt bằng kinh doanh 

Mới ngày nào khai trương rầm rộ, đúng một năm sau chị Lan đóng cửa trả mặt bằng cửa hàng thời trang trên đường Hoàng Hoa Thám. 

W-mat-bang-1.jpg
Cửa hàng thời trang đóng cửa, trả mặt bằng 

Chị Lan chia sẻ, chị đầu tư gần 1 tỷ đồng để thuê và sửa chữa cửa hàng này. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn, khách mua sắm ngày càng giảm. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng cao, mỗi tháng đã mất 30 triệu chưa tính các chi phí khác như tiền nhân viên, điện nước, tiền nhập hàng…

“Tiền thuê mặt bằng đã ngốn hết lợi nhuận nên tôi quyết định trả mặt bằng, hiện tại chỉ bán online. Giờ mở cửa hàng ít nhất cũng phải mất 500 triệu chưa tính tiền hàng, trong khi đó kinh doanh ngành thời trang thì phải nhập hàng mới về liên tục mới có khách.. Thay vì thuê mặt bằng thì tôi dùng tiền đó để nhập hàng. Trong tình hình kinh tế khó khăn, nếu có mở cửa hàng cũng chỉ mở quy mô nhỏ chứ không thuê mặt bằng lớn vì sẽ cụt hết vốn” chị Lan rút ra bài học “xương máu” sau khi mất gần cả tỷ đồng.

Có 10 năm hoạt động trong lĩnh vực spa, từng có thời điểm mở 2 cơ sở nhưng mới đây, chị Lê Linh cũng phải đóng cửa, thu hẹp lại để thoát cảnh gồng lỗ.

Chị Linh chia sẻ, năm ngoái, khi thấy doanh thu nhảy vọt trong nhiều tháng, chị nghĩ “thời tới” nên làm liều thuê thêm mặt bằng, mở cơ sở thứ hai. Kết quả chị bị âm nửa tỷ.

W-mat-bang1-1.jpg
Nhiều cửa hàng ở trung tâm TP Đà Nẵng đang bỏ trống thời gian dài

“Mặc dù cơ sở mới cũng nằm ở trung tâm thành phố, đông dân cư nhưng không có khách. Không thể cứ gồng lỗ, cố bám trụ mãi nên tôi quyết định trả mặt bằng nhà phố, về mở spa ngay tại căn hộ chung cư đang ở để tiết kiệm chi phí”, chị Linh cho hay. 

Cục Thống kê TP Đà Nẵng cho biết, lũy kế trong 10 tháng đầu năm 2023 (tính đến 15/10/2023), thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.490 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 15.366 tỷ đồng; giảm 8,7% về số doanh nghiệp và giảm 28,1% về số vốn so với cùng kỳ 2022 (tương đương với 3.490 doanh nghiệp với vốn đăng ký 19.865 tỷ đồng). 

Tốc độ phát triển có dấu hiệu chững lại, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 26,6% so với cùng kỳ năm 2022. Một số ngành nghề vẫn còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng vẫn còn tăng.