Đó là lời nhấn mạnh của ông Lê Doãn Hợp (Nguyên Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông). Theo ông Hợp, Đại hội 6 - đổi mới toàn diện đất nước - tất cả những gì Việt Nam có được trong gần 35 năm qua đều bắt nguồn từ thời điểm vinh quang đó.
Thành tựu có ý nghĩa mở đường
Không thể kể hết mọi thành quả đổi mới của đất nước trong gần 3,5 thập kỷ qua, tôi chỉ khái quát những thành tựu tiêu biểu nhất có ý nghĩa mở đường:
1. Từ chỗ chỉ quan hệ, hợp tác với các đảng Cộng sản cầm quyền ít ỏi trên thế giới, Đảng ta đã có quan hệ, hợp tác với tất cả các đảng đang cầm quyền trên toàn cầu, với tư duy cần học hỏi cách cầm quyền của bạn để Đảng ta cầm quyền tốt hơn.
Đổi mới, niềm tin và khát vọng. Ảnh Tư Giang |
Chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 16 đối tác chiến lược, 14 đối tác toàn diện và 3 đối tác chiến lược toàn diện. Đó là một chủ trương đột phá để có thành quả tuyệt vời và rất đáng tự hào trong thời đại toàn cầu hóa.
2. Đảng ta tôn trọng đa thành phần kinh tế cùng tồn tại, hợp tác, cạnh tranh và phát triển, để đất nước ta có kinh tế hộ, kinh tế tư nhân, kinh tế doanh nghiệp phát triển sôi động như hiện nay, nhất là kinh tế tư nhân, lực lượng chủ lực trong chấn hưng đất nước và hội nhập quốc tế.
Có thể nhìn thấy rất rõ những sản phẩm mô hình, thương hiệu, công trình tiêu biểu của đất nước nổi lên trong gần 35 năm qua phần lớn là do kinh tế tư nhân, kinh tế liên doanh với nước ngoài tạo dựng nên.
3. Đảng đã nhất quán chủ trương bỏ qua mọi mặc cảm của quá khứ để tuyên bố rằng: Đồng bào ta ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.
Tư duy mới này đã mở đường cho hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có rất nhiều người yêu nước có đức, có tài có cơ hội và tự tin trở về đất nước thăm thân, đầu tư làm giàu cho Tổ quốc mình cả vật chất, trí tuệ, kinh nghiệm, nguồn lực tài chính giúp quê hương, đất nước phát triển nhanh hơn; Hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả cao hơn.
4. Cùng với phát triển kinh tế, Đảng ta rất quan tâm đến văn hóa, với chủ trương rõ ràng là: Xây dựng đời sống văn hóa khoa học, đại chúng đậm đà bản sắc dân tộc, tôn vinh văn hóa từng dân tộc, vùng miền chính là làm giàu và phong phú hơn bản sắc văn hóa đa sắc màu của dân tộc Việt Nam
5. Bên cạnh các thành tựu về kinh tế, văn hóa, Đảng ta rất coi trọng và quan tâm đến các chính sách xã hội như: Thi đua làm giàu chính đáng gắn với xóa đói giảm nghèo, chăm lo người có công, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, từ thiện, nhân đạo, làm cho đạo đức và tình người xích lại gần nhau.
Chống đại dịch toàn cầu Covid-19 vừa qua là một minh chứng rất thuyết phục.
6. Đảng ta rất quan tâm đến các chính sách xã hội hóa làm sáng bừng lên các nguồn lực tự đầu tư của nhân dân và doanh nghiệp, tạo sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực lớn như: Phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, thông tin, cảng, sân bay, hàng không dân dụng, các khu công nghiệp công nghệ cao, các ngành kinh tế mũi nhọn như: Nông nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ tiên tiến, khách sạn, nhà hàng, các khu du lịch sinh thái, các công trình văn hóa du lịch thể thao, tâm linh, từ thiện, các khu di tích lịch sử, với nhiều sản phẩm có thương hiệu mạnh làm chủ trong nước, vươn ra quốc tế...
7. Báo chí phục vụ đổi mới đất nước phát triển rất nhanh, cả báo hình, báo nói, báo in và báo điện tử; cả số lượng và chất lượng, nội dung và hình thức; cả công nghệ làm báo và tính chuyên nghiệp của những người làm báo đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân, hội nhập quốc tế sâu rộng và phục vụ tốt công tác lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Diệu Thúy