Ngày 7/10/1963, Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Ninh họp Hội nghị liên tịch và ra nghị quyết về việc hợp nhất.
Theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, ngày 30/10/1963, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 2 đã ra nghị quyết, quyết nghị phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh.
Với tên gọi này vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều ý nghĩa. “Quảng” là rộng lớn. “Ninh” là yên bình, bền vững. Quảng Ninh ghép vào với nghĩa là một vùng rộng lớn, yên bình, bền vững.
Vượt khó khăn, săn cơ hội
Với quyết tâm và thành quả giữ vững đà tăng trưởng kinh tế liên tục 7 năm liền trên 2 con số, Quảng Ninh luôn luôn đổi mới tư duy phát triển, lựa chọn đúng nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, ứng phó kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với mọi tình huống đột xuất, bất ngờ trên các lĩnh vực.
Quảng Ninh đã tập trung triển khai cụ thể hóa 4 quan điểm định hướng lớn, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ thường xuyên, giải pháp lớn, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, bài bản, khoa học, rõ việc, rõ trách nhiệm thực hiện, rõ thời gian hoàn thành.
Quảng Ninh đã ban hành 13 nghị quyết, 31 chỉ thị, 13 chương trình, 227 kế hoạch, 46 kết luận, trên 900 thông báo và hằng năm đều lựa chọn chủ đề công tác mang tính dự báo để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt 10,12%, năm 2022 đạt 10,28%, dự kiến năm 2023 tăng 11%.
Bình quân giai đoạn 2021-2023, tăng 10,4%/năm, cao hơn chỉ tiêu nghị quyết Đại hội 15 của Đảng bộ Quảng Ninh (khoảng 10%) và luôn nằm trong tốp những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước.
Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 160.476 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt 122.109 tỷ đồng, chiếm 76,1% tổng thu ngân sách, tăng bình quân khoảng 4,19%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Thu xuất, nhập khẩu đạt 38.367 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao.
Tổng thu hút đầu tư ngoài ngân sách toàn tỉnh đạt 430.736 tỷ đồng, trong đó thu hút mới 26 dự án FDI, với số vốn đăng ký đạt 3.614,5 triệu USD, gấp 3,6 lần so với nửa nhiệm kỳ 2015-2020.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh nghiêm túc tiếp thu những định hướng chỉ đạo, qua đó thống nhất biện pháp điều hành toàn diện, đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới để đạt được những kết quả cao nhất trên các lĩnh vực.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách liên kết vùng để làm cơ sở triển khai hoàn thành các mục tiêu của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đột phá về hạ tầng giao thông
Ngược dòng thời gian, cuối năm 1975, Quảng Ninh không có một tuyến đường bộ nào đạt cấp kỹ thuật đồng bộ.
Trong 10 năm (1976-1985), ngành giao thông đã làm mới 112 cầu, cống các loại, mở rộng 190km nền đường, hệ thống giao thông các trục chính dọc tỉnh được thông suốt. Tuy nhiên, trước năm 1996, Quảng Ninh vẫn là địa bàn xa xôi, cách trở không chỉ vì khoảng cách địa lý, mà còn bởi hệ thống hạ tầng giao thông bị chia cắt nặng nề giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh khác, gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Để tháo gỡ nút thắt này, chỉ trong 3 năm đầu nhiệm kỳ 1996-2000, Quảng Ninh đã đầu tư trên 3.000 tỷ đồng xây dựng và hoàn thành hàng loạt công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Toàn bộ hệ thống ngầm tràn dọc tuyến QL18A và QL18C từ TP. Hạ Long đến khu vực miền Đông đã được thay thế bằng các cây cầu. Đường bộ từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố cũng được nhựa hóa.
Năm 2006, cầu Bãi Cháy được khánh thành và đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông nội đô TP. Hạ Long và nối thông toàn bộ QL18A, trục giao thông huyết mạch của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Giai đoạn 2008-2010, Quảng Ninh đã dành nguồn lực thực hiện nâng cấp QL18A đoạn từ Mông Dương đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Năm 2018, Quảng Ninh đồng loạt đưa vào khai thác chuỗi dự án giao thông trọng điểm, đó là tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, tiếp theo là công trình Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Qua đó giúp Quảng Ninh chính thức tháo gỡ điểm nghẽn, vươn ra thế giới bằng cả đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Năm 2022 mặc dù trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn quyết tâm hoàn thành cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Đặc biệt, ngày 1/9/2022, Quảng Ninh chính thức đưa vào khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với chiều dài hơn 80km. Đây là mảnh ghép cuối cùng trong chuỗi cao tốc dọc tỉnh có chiều dài 176km, bằng 16,83% tổng chiều dài các tuyến cao tốc toàn quốc.
Phạm Công