Khuất tất đấu thầu
Kết quả thanh tra các dự án đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước của tỉnh Lâm Đồng, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vấn đề trong công tác đấu thầu. Báo cáo của Sở KH-ĐT cho thấy, tỷ lệ giảm giá bình quân qua đấu thầu toàn tỉnh là 4,82%. Thế nhưng, Thanh tra Chính phủ xác minh thấy tỷ lệ giảm giá sau đấu thầu là rất thấp. Chẳng hạn, Sở Giao thông vận tải giảm giá bình quân chỉ đạt 0,351% đối với vốn tập trung và 0,27% đối với nguồn vốn duy tu...
Xác minh ở UBND huyện Lâm Hà, địa phương này có 3 gói thầu xây lắp tỷ lệ giảm giá sau đấu thầu dưới 0,1%. Đó là gói thầu xây lắp đường Đoàn Kết - Đinh Văn đi Tân Lâm - Đạ Đờn, giá gói thầu là 16,959 tỷ đồng còn giá trúng thầu là 16,943 tỷ đồng, chỉ giảm 16 triệu đồng.
Hiện tượng móc ngoặc trong đấu thầu không phải chuyện lạ. |
Kiểm tra hồ sơ đấu thầu gói thầu xây lắp số 01 thuộc Dự án đường nối đường Chi Lăng đến đường Tố Hữu, phường Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc có nhiều vấn đề. Nhà thầu tư vấn - Công ty CP tư vấn Scom - không có chứng nhận về điều kiện năng lực trong hoạt động đấu thầu, chủ đầu tư chưa đăng thông tin công khai Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả trúng thầu.
Đáng chú ý, hồ sơ dự thầu cả 3 nhà thầu có bản tổng hợp giá trị dự thầu có nhiều điểm giống nhau; 2 nhà thầu là công ty CP xây dựng số 1 Lâm Đồng, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Phú Lâm có dấu hiệu cố tình làm hồ sơ dự thầu sơ sài, không đạt về điều kiện năng lực và kinh nghiệm để bị loại, tạo điều kiện cho Công ty Nguyên Thanh trúng thầu.
Đánh giá chung công tác đấu thầu, Thanh tra Chính phủ nhận định việc tổ chức đấu thầu có hiện tượng không minh bạch giữa các nhà thầu, trong đó phổ biến là 3 nhà thầu mua hồ sơ dự thầu, sau đó 2 nhà thầu làm hồ sơ dự thầu sơ sài nên bị loại ở bước sơ bộ hoặc bước đánh giá điều kiện năng lực. Việc này nhằm tạo điều kiện cho một nhà thầu vào bước 2 và sẽ trúng thầu với giá trúng thầu sát giá gói thầu được duyệt.
Nợ đọng xây dựng cơ bản cao hơn nhiều số báo cáo
Trong giai đoạn 2013-2018, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đầu tư xây dựng 892 dự án, công trình với tổng mức đầu tư là hơn 26,3 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước vốn trí là hơn 15,9 nghìn tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý nhà nước về xây dựng tại các sở KH-ĐT, Tài chính, Xây dựng, Y tế, Giao thông vận tải,... và các huyện, TP. Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng, Đà Lạt, Bảo Lộc và kiểm tra xác minh trực tiếp 15 dự án, công trình.
Qua đó, Thanh tra Chính phủ phát hiện một số dự án thời gian thi công kéo dài như Quảng trường trung tâm TP. Đà Lạt, Khu quy hoạch dân cư 5B TP. Đà Lạt, đường vào Khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Cầu suối lớn huyện Cát Tiên...
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ thấy rằng số nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh thực tế lớn hơn nhiều so với số liệu do Sở KH-ĐT theo dõi, tổng hợp. Số nợ đến 31/5/2018 theo báo cáo của Sở là 32,6 tỷ đồng. Nhưng tại thời điểm thanh tra, qua kiểm tra, xác minh ở một số sở, huyện, thành phố cho thấy nợ đọng lớn hơn. Riêng UBND TP. Đà Lạt, số nợ lên đến hơn 27,7 tỷ đồng, còn UBND huyện Bảo Lâm nợ đọng hơn 7 tỷ đồng, Sở Giao thông vận tải nợ đong hơn 9,3 tỷ đồng,...
Thanh tra, kiểm tra trực tiếp 15 dự án, Thanh tra Chính phủ đánh giá có 11/15 dự án nguồn vốn bố trí cho dự án kéo dài hơn tiến độ thực hiện hợp đồng và tiến độ thực hiện dự án. Việc lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán của một số dự án, công trình chất lượng chưa cao nên phải thay đổi điều chỉnh nhiều lần, kéo dài thời gian hoàn thành, làm tăng vốn công trình.
Có công trình như Khu ký túc xá tập trung TP. Đà Lạt một số hạng mục mới đưa vào sử dụng đã có biểu hiện xuống cấp, hư hỏng. Dự án xử lý nước thải Hồ Tuyền Lâm giai đoạn 1 thi công kéo dài, khi hoàn thành thì không đưa vào sử dụng được vì đến nay không có nhà đầu tư thỏa thuận đấu nối.
“Công tác nghiệm thu, thanh quyết toán còn để xảy ra một số vi phạm phải xử lý với số tiền là hơn 20,6 tỷ đồng. Căn cứ mức độ vi phạm, đoàn thanh tra đã lập biên bản yêu cầu các chủ đầu tư giảm trừ khi quyết toán là hơn 3,2 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 17,4 tỷ đồng”, Thanh tra Chính phủ kết luận.
Lương Bằng
Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam, không loại trừ phát sinh cơ chế xin cho
Nhiều chuyên gia lo ngại việc chỉ định thầu dự án cao tốc Bắc - Nam nếu không thận trọng dễ nảy sinh cơ chế xin - cho.