Diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam" |
Tại Việt Nam, mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn.
Tại diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam - Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online" được tổ chức ngày 20/8, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương) cho biết, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam liên tục tăng trưởng trong 5 năm qua với tốc độ tăng trung bình trên 25%/năm.
Số liệu thống kê cho thấy, doanh thu TMĐT B2C tại Việt Nam năm 2019 vào khoảng 10,8 tỷ USD, đạt tỷ trọng 4,9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước. Lượng người Việt tham gia mua sắm trực tuyến vẫn tăng trưởng qua từng năm. Năm 2019, có khoảng 44,8 triệu người tham gia mua trực tuyến.
Lượng website TMĐT hàng năm tăng mạnh, các chỉ số cơ bản tăng trưởng các doanh nghiệp đầu tư vào ứng dụng cũng đều cho thấy sự tăng trưởng. Tuy nhiên, vị này cho biết vẫn còn nhiều trở ngại khi mua hàng trực tuyến. Nguyên nhân được đưa ra là do sản phẩm kém chất lượng, lo ngại rò rỉ thông tin cá nhân, giá cả không trung thực… đã làm cho niềm tin của người tiêu dùng khi tham gia TMĐT bị ảnh hưởng và không dám mua hàng giá trị cao.
Một vấn đề nữa đó là tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt còn chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của TMĐT. Đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, thanh toán không tiền mặt rất phát triển trong vài năm gần đây. Tuy nhiên trong các giao dịch dịch trực tuyến, việc sử dụng các công cụ thanh toán điện tử vẫn chưa thể thay thế cho hình thức COD (trả tiền mặt).
Số liệu từ Bộ Công thương cũng cho thấy năm 2019 vẫn có tới 86% người mua hàng vẫn sử dụng thanh toán COD. “Tỷ lệ này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của TMĐT. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì khi thị trường hoặc nguồn vốn đầu tư thay đổi, doanh nghiệp và cả thị trường sẽ không mở rộng được”, ông Đức Anh nhấn mạnh.
Cùng ý kiến, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại Tiki miền Bắc cũng cho rằng thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua không đạt kỳ vọng. Nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa có niềm tin với các giao dịch trực tuyến. “TMĐT hay thanh toán trực tuyến chỉ có thể phát triển khi tạo dựng được niềm tin cho khách hàng. Việc vẫn tiếp tục dùng tiền mặt sẽ mang đến rủi ro cho cả khách hàng và doanh nghiệp TMĐT”, ông Quyền cho biết.
Để giải quyết được vấn đề này, ông Hoàng Quốc Quyền cho rằng các cơ chế đồng bộ hơn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước để giúp người dân có thể tiếp cận tốt hơn với thanh toán trực tuyến và tạo dựng được niềm tin với các giao dịch điện tử.
Về phía cơ quan quản lý, ông Lê Đức Anh cũng chia sẻ: Trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 Bộ Công thương đang xây dựng “Nền tảng tín nhiệm” đối với TMĐT. Trong đó, nền tảng sẽ đánh giá các chủ thể kinh doanh, thậm chí là các cá nhân sau đó cấp giấy chứng nhận để công bố rộng rãi đến người tiêu dùng. Nền tảng này đề cập đến các hình thức thanh toán đảm bảo (tạm giữ dòng tiền trong quá trình giao dịch); giao hàng Prime; ứng dụng chứng từ điện tử; xử lý tranh chấp khiếu nại, chất lượng dịch vụ giao hàng hay thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.
Diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam - Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online", do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Hiệp hội bán lẻ và đại diện nhiều doanh nghiệp trong nước.
Diễn đàn tập trung làm rõ các tác động ảnh hướng tới khuynh hướng tiêu dùng của thị trường Việt Nam những năm gần đây cũng như trong đại dịch Covid -19 và đưa ra các giải pháp phát triển bền vững ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam; chia sẻ những ý kiến từ phía các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến; thảo luận về tác động, thách thức và định hướng cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phù hợp với thị trường công nghệ mới…
Duy Vũ
Nhu cầu mua khẩu trang tăng mạnh trên kênh thương mại điện tử
Kể từ khi ca mắc Covid-19 mới được phát hiện tại Đà Nẵng, nhu cầu mua khẩu trang tăng mạnh trên nhiều kênh bán hàng.