Không phải khi nào cũng online
Điện thoại cá nhân không có mạng (3G hoặc 4G), địa điểm thanh toán không có Wifi; camera điện thoại của người dùng bị mờ hoặc không quét được QR code; hệ thống giao dịch của ngân hàng đang nâng cấp, app thanh toán của ngân hàng bị lỗi; thậm chí một số nơi nói không với chuyển khoản hay quét mã là những tình huống dở khóc dở cười với nhiều người đang hình thành thói quen không mang tiền mặt.
Anh Trần Đình Dũng, nhân viên bất động sản tại Hà Nội chia sẻ: Có lần vào đổ xăng tại cây xăng Trần Khát Chân, tự tin đánh xe vào hô “đổ em đầy bình” mà quên mất hôm trước đi nhậu, thanh toán nên vứt luôn ví ở nhà. “Chắc mẩm, thôi bơm xăng xong rồi quét mã QR chuyển khoản cũng được”. Nhưng ôi thôi, nhìn lên cột trụ bơm xăng có dòng chữ thông báo: “Vui lòng thanh toán tiền mặt”. Đang định xuống bảo nhân viên dừng bơm thì được thông báo: “Bình xăng sắp đầy, bên em đổ 1 triệu thôi anh nhé”.
“Lúc này tôi xuống đề cập vấn đề của mình, xin chuyển khoản vào tài khoản của nhân viên cây xăng hoặc giải pháp nào đó thuận lợi cho cả 2 bên, nhưng không được chấp nhận. Tôi đành xin phép đánh xe ra vỉa hè để lấy chỗ cho người khác vào đổ xăng, sau đó hỏi những người đổ xăng xem ai có tiền mặt thì vay và chuyển khoản trả nhưng không ai có đủ tiền. Đang quay lại văn phòng cây xăng để gọi điện cho bạn đến ứng cứu thì được một bạn nữ vừa mới đến đổ xăng ra tay "tương cứu" cho vay tiền mặt. Đúng là một tình huống… khó đỡ, khi thanh toán online đang là xu thế nhưng cây xăng lại… “nói không”, anh Dũng kể lại.
Khi được anh Dũng hỏi, thời đại 4.0 rồi mà sao cây xăng “cứng nhắc” vậy? thì nhận được câu trả lời của nhân viên: 1-Nhiều bạn sinh viên thanh toán quét mã thì không có mạng 4G, rất mất thời gian; 2-Sử dụng điện thoại tại cây xăng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, trước đây đã cấm dùng, nay thanh toán online phải bỏ quy định này là đi ngược lại nguyên tắc an toàn; 3-Quy định của công ty (hệ thống cây xăng của PV Oil) là thu tiền mặt nên nhân viên không làm khác được, dù là khách nhờ nhận chuyển khoản vào tài khoản cá nhân.
Thừa nhận những lí do của nhân viên cây xăng nêu ra, bạn Đỗ Hoài Linh, sinh viên Học viện Ngân hàng tại Hà Nội kể: “Có lần ra chợ sinh viên, thấy một bạn lựa đồ rất say mê, xem hết thứ nọ đến thứ kia, lật tung các bộ quần áo ở trên kệ ra xem khiến nhân viên bán hàng vất vả đi sau tư vấn và… gấp lại. Đến khi thanh toán, bạn ấy không có đăng ký gói cước 3G nên hỏi mật khẩu Wifi. Vỉa hè thì lấy đâu ra Wifi, cuối cùng một nhân viên bán hàng phải phát Wifi từ điện thoại cá nhân để bạn ấy quét mã QR”.
Anh Đỗ Đức Hoàn (nhà ở Gia Lâm, Hà Nội) thì chia sẻ: “Hôm 14/6, tôi vào hiệu sách tầng 2 ở AEON Long Biên mua mấy cuốn truyện và đồ chơi làm quà sinh nhật cho con. Mặc dù có 2 tài khoản ngân hàng (MB và Vietinbank) và ngân hàng nào cũng phải cài app nên việc không mang theo tiền mặt với anh đã thành thói quen. Thế nhưng, hôm ấy tôi bị rơi vào tình huống khá “quê mùa” khi 1 tài khoản thì vừa hết tiền, 1 tài khoản thì ngân hàng báo lỗi do đang nâng cấp hệ thống (từ 16h đến 18h). Cuối cùng, sợ về muộn không kịp chuẩn bị sinh nhật cho con, tôi phải chụp ảnh mã QR code hóa đơn thanh toán, gửi qua Zalo cho vợ nhờ thanh toán hộ”.
Thanh toán số tăng mạnh
Tạm gác những tình huống trớ trêu và những hạn chế về hạ tầng mạng ở một số nơi, thanh toán số ở Việt Nam vẫn được các chuyên gia đánh giá là bùng nổ. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam hiện tăng trưởng mạnh, cả ở hình thức thanh toán thẻ và thanh toán chuyển khoản qua QR Code. Tại hội nghị về việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện hệ thống thanh toán liên ngân hàng tại Việt Nam đã xử lý bình quân hơn 830.000 tỷ đồng/ngày. Hệ thống thanh toán bán lẻ xử lý bình quân từ 20-25 triệu giao dịch/ngày.
Cũng theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, trong giai đoạn 2021-2023, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và mobile bình quân tăng trưởng lần lượt ở mức 52% và 103%. Tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%. Tính đến hết tháng 6/2024, đã có hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Cụ thể, cả nước hiện có 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động. Đây là những con số cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán số tại Việt Nam.
Được biết, NHNN được Chính phủ giao hai nhiệm vụ: 1- Chỉnh sửa, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt; 2-Thúc đẩy phát triển tiện ích thanh toán điện tử. Ngoài ra, NHNN cũng là đơn vị có trách nhiệm kiểm soát và ngăn chặn tình trạng kẻ xấu lợi dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để trục lợi và lừa đảo người dùng khi thanh toán online đang ngày một phát triển, Cụ thể, các vụ lừa đảo người dùng tự chuyển tiền đến tài khoản được chỉ định; đánh cắp tài khoản ngân hàng/ mã OTP cho tới giả mạo các tổ chức, cá nhân; thậm chí giả mạo cả ngân hàng để lừa đảo. Do vậy, yêu cầu xác thực sinh trắc học khi chuyển từ 10 triệu đồng trở lên (từ 1/7/2024) được coi là lá chắn bảo vệ người dùng.