Nhiều lĩnh vực áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt
"Từ ngày có tủ gửi đồ, chúng tôi thấy rất thuận tiện", chị Hải Hà, sống tại chung cư Ecogreen City, 286 Nguyễn Xiển cho biết
Chỉ cần dùng điện thoại và quét mã QR để chuyển tiền cho nhà cung cấp dịch vụ, chị Hà có thể có một ngăn đồ cho mình, thuận tiện khi mua và nhận hàng mỗi ngày.
Xung quanh chung cư, các máy bán nước tự động cũng được lắp đặt ở khắp các tòa nhà. Việc thanh toán cũng có thể thực hiện chỉ bằng "chạm và quẹt".
Thực tế, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là nhiệm vụ được đề ra tại Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.
Giờ đây, thanh toán không tiền mặt đã phủ khắp mọi nơi, từ dịch vụ công cho đến nhu cầu hàng ngày của người dân.
Báo cáo của Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử cho thấy ngày càng nhiều lĩnh vực áp dụng thanh toán không tiền mặt.
Lĩnh vực chi trả an sinh xã hội, căn cứ Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện an sinh xã hội không dùng tiền mặt, đến nay, đã có 51/63 địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho 340.177 người với số tiền hơn 674,3 tỷ đồng.
Trong đó: đã chi trả cho 246.108 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền hơn 276,3 tỷ đồng; đã chi trả cho 83.424 đối tượng người có công với số tiền hơn 381,97 tỷ đồng.
Một số địa phương làm tốt như: Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện chi trả trực tiếp vào tài khoản của 18.486 đối tượng với số tiền 65,9 tỷ đồng; tỉnh Bình Dương thực hiện chi trả trực tiếp vào tài khoản của 31.209 đối tượng với số tiền 25,75 tỷ đồng...
Lĩnh vực y tế, giáo dục, báo cáo cho thấy đã có 87.9% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc các trường Đại học Y, Dược triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 63.8% Sở Y tế địa phương có số cơ sở khám chữa bệnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ từ 50% trở lên, trong đó có 25.5% địa phương đạt tỷ lệ 100%.
Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai thí điểm thanh toán viện phí qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y – Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số địa phương nổi bật: tỉnh Long An có 591 cơ sở giáo dục triển khai thanh toán không dùng tiền mặt với 195,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 85,56 tổng số giao dịch. Thành phố Hà Nội có 60/71 cơ sở y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Ninh Bình có 257/320 cơ sở giáo dục, thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Tỉnh Bắc Giang có số lượng giao dịch thanh toán viện phí, dịch vụ y tế không dùng tiền mặt là 45.516 lượt, tương ứng 76,98% với số tiền 28,5 tỷ đồng...
Lĩnh vực bảo hiểm, đã có 64% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 3% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 giao sớm 03 năm.
Lĩnh vực bảo hiểm, báo cáo cho biết đã có 64% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 3% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 giao sớm 3 năm. Trong đó, tỷ lệ nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản đạt 43%; tỷ lệ nhận chế độ bảo hiểm xã hội một lần đạt 92%; tỷ lệ nhận trợ cấp thất nghiệp khoảng 98%.
Trong lĩnh vực tài chính, đến hết năm 2023, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt 99,84% so với tổng thu ngân sách nhà nước qua kho bạc nhà nước; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dung tiền mặt đạt 99,64% so với tổng chi ngân sách nhà nước qua kho bạc nhà nước.
Ứng dụng xác thực điện tử để đánh giá rủi ro
Trong năm 2023, ngành ngân hàng cũng đã đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực.
Cụ thể, ngành ngân hàng đã ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ xác thực, làm sạch 47 triệu dữ liệu cho ngành ngân hàng, thu phí 67 tỷ đồng, giúp ngành ngân hàng kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ, xác thực chính xác chủ thể tham gia giao dịch ngân hàng. Phối hợp với các đơn vị hoàn thiện giải pháp chấm điểm tín dụng công dân, giúp ngành ngân hàng đánh giá hạn chế rủi ro trong quá trình cho vay tín chấp, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, giảm thời gian, quy trình xác minh, đẩy nhanh quá trình giải ngân.
Người dân có nhu cầu vay vốn dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn chính thống, qua đó, giảm rủi ro phải vay “tín dụng đen”.
Ngành ngân hàng cũng tăng cường ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng, góp phần số hóa, tạo lập dữ liệu sạch, tiết kiệm chi phí quản lý của các tổ chức tín dụng, mở rộng nhiều tiện ích số cho người dân, tăng nhanh thanh toán không dùng tiền mặt cho các tổ chức, cá nhân. Bước đầu loại bỏ dịch vụ xác thực danh tính khách hàng truyền thống.
Đến nay, các Tổ chức tín dụng đã ký kết với C06 triển khai giải pháp ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, gồm 08 đơn vị: VIB,Pvcombank, ACB, Sacombank, Vietcredit, Momo, Mireaaceet, JACC. Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử thay thế thẻ ATM. Tiết kiệm tiền in thẻ cho các tổ chức ngân hàng khoảng 50.000 đồng/thẻ.