Tương tự, sau khi được thông báo về các khoản thu phục vụ học sinh trong năm học, chị Nguyễn Thị Minh Huệ đã nộp học phí vào tài khoản ngân hàng của trường.
Chị Huệ cho hay: “Tôi nhận thấy việc thanh toán học phí không dùng tiền mặt rất thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho phụ huynh. Sau khi nộp học phí, ngân hàng thông báo biến động số dư tài khoản, có biên lai điện tử để cả phụ huynh và nhà trường cùng biết thông tin”.
Các chi nhánh trực thuộc Agribank Đông Gia Lai ký kết thỏa thuận nguyên tắc với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện phía Đông tỉnh phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ học phí. Ảnh: S.C |
Thanh toán học phí không dùng tiền mặt là một trong những nội dung quan trọng nhằm cụ thể hóa Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Ngày 1/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 350/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Ghi nhận thực tế từ hoạt động này, thầy Nguyễn Trung Thành-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Mây-nhận xét: “Việc thanh toán học phí không dùng tiền mặt qua các kênh giao dịch trực tuyến của ngân hàng nhằm tăng tính minh bạch, tiết kiệm thời gian, giảm áp lực về mọi mặt cho nhà trường. Ban giám hiệu nhà trường chủ động hơn trong công tác quản lý, theo dõi tiến độ thu nộp của từng lớp. Đồng thời, bộ phận kế toán, thủ quỹ, giáo viên vừa tiết kiệm được thời gian, vừa giảm bớt áp lực công việc vì đã có kênh thu hộ học phí của ngân hàng”.
Triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 90-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí không dùng tiền mặt; 90-100% trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thanh toán học phí không dùng tiền mặt đã phủ sóng tại các trường học trên địa bàn huyện Kông Chro. Ảnh: S.C |
Góp phần hiện thực hóa mục tiêu này, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tích cực đồng hành, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo phủ sóng dịch vụ thanh toán học phí không dùng tiền mặt trong các trường học.
Đơn cử như Agribank Đông Gia Lai đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ thu hộ học phí qua cổng kết nối MISA (JETPAY) với 112 trường học ở các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro, thị xã An Khê và TP. Pleiku.
Trao đổi với P.V, ông Phan Tiến Thu - Giám đốc Agribank Đông Gia Lai-thông tin: “Hiện nay, chúng tôi tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo cùng chính quyền các địa phương mở rộng triển khai dịch vụ thu hộ học phí đến các trường học.
Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với nhà trường, phụ huynh học sinh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục”.
Theo Sơn Ca (Báo Gia Lai)