DN nước ngoài đổ đến Việt Nam để hưởng lợi nhân công giá rẻ. Các địa phương vui mừng báo cáo thành tích thu hút vốn tỷ đô. Nhưng, liệu họ có đầu tư công nghệ hiện đại hay Việt Nam chỉ hưởng những đồng gia công rẻ mạt để rồi lãnh đủ hệ quả ô nhiễm môi trường trong tương lai?
Trong một văn bản phát đi mới đây, Bộ KH-ĐT đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường do thành lập quá nhiều khu công nghiệp (KCN) dệt may tại các địa phương.
Bùng nổ dệt may
Thời gian qua, để đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư hàng loạt KCN và triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn trong lĩnh vực dệt may.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành dệt may tăng đột biến. Trong tổng số vốn 5,85 tỷ USD đầu tư, dệt may chiếm hơn 1 tỷ, với nhiều dự án lớn. Dự báo, số các dự án đầu tư nước ngoài vào dệt may vẫn đang tăng vì Việt Nam đã trở thành thành viên của TPP và dệt may được cho là ngành hưởng lợi lớn.
Vốn FDI đầu tư vào dệt may chiếm hơn 1 tỷ USD |
Hiện rất nhiều DN từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ,... đang có ý định đầu tư nhà máy dệt may vào Việt Nam để hưởng lợi.
Nhiều địa phương trên cả nước cũng phát triển các khu công nghiệp lớn và khép kín về dệt may. Tại miền Bắc, Nam Định đang hướng tới trở thành trung tâm dệt may lớn, với những khu công nghiệp có diện tích hàng ngàn ha, vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.
Tại miền Trung, Thừa Thiên - Huế cũng vừa công bố Quy hoạch phát triển ngành dệt may với tham vọng trở thành trung tâm lớn của khu vực. Tại miền Nam, các tỉnh như Long An, Tây Ninh, TP.HCM,... các KCN dệt may sẽ mọc lên nhan nhản thời gian tới.
Lo ngại môi trường
Để được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu dệt may sang các quốc gia thuộc TPP như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc,... DN phải thực hiện cam kết về xuất xứ từ sợi. Tức là, sản phẩm dệt may phải vải được dệt từ sợi tại các quốc gia thành viên. Vì vậy, nhà đầu tư đã triển khai đầu tư từ khẩu sản xuất sợi tại Việt Nam.
Như đã nói, trong chuỗi giá trị của ngành dệt may, công đoạn nhuộm và hoàn tất vải lại là những công đoạn phát thải ô nhiễm cao nhất. Khi sử dụng nhiều loại thuốc nhuộm, hóa chất sẽ tiêu thụ nhiều nước, phát sinh nhiều nước thải với nồng độ ô nhiễm rất cao. Các số liệu cho thấy, tùy loại vải và công nghệ nhuộm, lượng nước sạch tiêu tốn có thể đến khoảng 130-600 m3/tấn và có đến 88% lượng nước sạch sử dụng sẽ trở thành nước thải trong quá trình xử lý vải ướt.
Mặc dù TPP đặt ra các quy định tuân thủ pháp luật về môi trường như là một điều kiện cơ bản, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem đến Việt Nam những công nghệ dệt nhuộm hiện đại nhất, ít gây ô nhiễm.
|
Khi sử dụng nhiều loại thuốc nhuộm, hóa chất sẽ tiêu thụ nhiều nước, phát sinh nhiều nước thải với nồng độ ô nhiễm rất cao |
Hai lý do đáng lo ngại là do sức ép từ hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhà đầu tư, không nhất thiết phải lựa chọn công nghệ hiện đại với chi phí đầu tư cao. Trong khi đó, nước thải dệt, nhuộm cần chi phí xử lý cao, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận, khiến cho DN giảm quan tâm tới môi trường.
Trung Quốc, nước đứng đầu về dệt may thế giới, đang phải trả giá lớn cho vấn đề môi trường. Có đến gần một phần ba các dòng sông tại quốc gia này đang bị ô nhiễm, trong đó có "đóng góp" rất lớn của ngành dệt may. Chính phủ Trung Quốc đang hành động mạnh mẽ, nhằm kiểm soát chặt vấn đề ô nhiễm môi trường, điều này sẽ tác động mạnh đến hiệu quả của ngành dệt may.
Cùng với đó, do không tham gia TPP, ngành dệt may Trung Quốc sẽ chịu thiệt thòi lớn. Để không bị đứng ngoài và chịu thiệt hại vì TPP, các DN dệt may nước này đang chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam. Đầu tư vào Việt Nam vừa giúp các DN được hưởng ưu đãi về xuất khẩu hàng hóa, vừa giúp tránh được áp lực về bảo vệ môi trường, cùng chi phí nhân công cao.
Trong khi đó, Việt Nam lại đang có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, giá nhân công, điện, nước sạch, phí xử lý nước thải,... rẻ hơn. Đặc biệt là năng lực thực thi và các chế tài về bảo vệ môi trường tại Việt Nam thấp hơn tại Trung Quốc.
Vì vậy, nhiều lo ngại cho rằng Việt Nam sẽ trả giá do bị ô nhiễm nặng nề trong tương lai, bởi sự phát triển quá nóng của ngành dệt may, nếu không kiểm soát chặt chẽ về môi trường.
Chính vì vậy, Bộ KH-ĐT lưu ý các địa phương, khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình thẩm tra, đánh giá dự án theo quy định pháp luật, phải chú trọng xem xét về công nghệ, đồng thời xây dựng kế hoạch giám sát chặt về môi trường đối với các KCN dệt may.
Trần Thủy