Chiều mùng 9 tháng Giêng, dân làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người đã mang lại cuộc sống no ấm, yên bình năm xưa.
Lễ hội được mở đầu bằng lễ rước long bào, triều phục của Vua Phùng Hưng từ đình thờ Sắc về đình Đại Đình.
Kiệu rước đi quanh các trục chính làng Triều Khúc trong sự quan tâm của người dân và du khách.
Đặc trưng của làng là có hai ngôi đình cổ, với kiến trúc bề thế, trong đó Đình thờ Sắc, thờ các đạo sắc phong thời Lê Cảnh Hưng 44 (1783) đến thời Khải Định 9 (1924) ban phong mỹ tự cho vị thành Hoàng của làng và Đại đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Trong đoàn rước có các thôn nữ biểu diễn múa sinh tiền. Các hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như múa rồng, múa lân, múa chạy cờ cũng được tổ chức trong ba ngày lễ hội (từ mùng 9-12 tháng Giêng).
Đặc trưng trong hội làng Triều Khúc là điệu múa mang tên dân gian "con đĩ đánh bồng" thu hút sự chú ý của người xem.
Hai em Cao Xuân Hữu Đông và Nguyễn Hải Đăng (13 tuổi) trẻ nhất đội múa cho biết, đã mất 3 tháng tập luyện để biểu diễn điệu múa này. "Đây là năm đầu tiên cháu được biểu diễn. Lúc mới tập thấy khó, nhưng đến giờ có thể múa được cùng các anh có kinh nghiệm”, Hữu Đông chia sẻ.
Điệu múa trống bồng này do các nam thanh niên của làng (theo quy định phải có ngoại hình ưa nhìn và chưa lấy vợ) thực hiện. Sẽ có khoảng 3-4 cặp nam nhân múa đôi, phô diễn những động tác mềm dẻo. Yêu cầu ở đây là nét diễn phải thật duyên dáng, thậm chí có phần lả lơi.
Trang phục của điệu múa "Con đĩ đánh bồng" do trai làng giả làm con gái, má phấn, môi son, đầu chít khăn mỏ quạ vừa múa nhún nhảy vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng một cách nhí nhảnh, duyên dáng.
Nhiều gia đình trong làng lập bàn thờ cùng các lễ vật hoa, quả khi đoàn rước đi qua. Lễ hội diễn ra hàng năm tại Đại đình để tưởng nhớ công ơn của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người anh hùng phát động cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của quân xâm lược phương Bắc.
Chiều ngày 12 tháng Giêng sẽ diễn ra lễ chạy cờ quanh các trục đường chính của làng trước khi rước kiệu Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng về đình thờ Sắc.