11 năm nuốt nước mắt ở xứ người vì con
- 11 năm ở Mỹ, chị sống sao?
Tôi đang làm việc 5 buổi/tuần tại một cơ sở chăm sóc da, cụ thể là mát-xa mặt, nặn mụn... nghỉ thứ Hai và thứ Ba. Những ngày spa đông khách, tôi sẽ kiêm làm móng.
Năm 2009 mẹ mất, tôi đau buồn quá, thêm nhiều chuyện buồn phiền khác xảy ra, con trai sẵn có quốc tịch Mỹ nên quyết định sang đây sống để 2 con có tương lai tốt đẹp hơn.
Trước khi định cư, tôi đã tìm hiểu rất kỹ, chuẩn bị tâm lý sống ở xứ người nhưng vẫn chịu nhiều cú sốc những năm đầu. Như bao người, tôi cũng đi học lấy chứng chỉ hành nghề làm móng, chăm sóc da.
Tôi bị khách mắng mỏ, bị quản lý đáng tuổi con nạt nộ. Nhiều đêm tôi tủi thân bật khóc rồi tự động viên, ngày mai đi làm bình thường.
Do tôi làm việc nặng, bệnh thoát vị đĩa đệm và thoái hóa đốt sống cổ tái phát, rất đau. Ngoài ra, tôi cũng bị cao huyết áp, mỗi ngày chỉ cần uống 1 viên thuốc.
Thanh Thanh Tâm ngày ấy - bây giờ.
Dù vậy, 11 năm ở Mỹ, tôi có không ít kỷ niệm vui. Thời làm thu ngân ở tiệm phở, tôi hay chủ động phụ bưng bê, dọn bàn, được khán giả nhận ra dúi vào tay mấy tờ 50, 100 USD. Có ngày, người ta gửi 1 bó hoa đẹp có thiệp viết tên tôi trên đó.
Một vài khán giả lớn tuổi từng đề nghị hỗ trợ tôi mở tiệm, làm quản lý nhưng tôi từ chối vì không muốn mang ơn, mắc nợ ai.
Tôi làm tiệm nào cũng được chủ thương còn đồng nghiệp không ưa. Nếu đã làm, chắc chắn tôi là nhân viên chăm chỉ, cẩn thận, không phải bà nghệ sĩ lơ mơ học làm đẹp.
Các chủ tiệm ưu ái tôi lắm, cho phép sử dụng ghế, giường của khách để nghỉ ngơi dù tôi không bao giờ động vào. Vậy mà vẫn bị các thợ khác khó chịu, gây sự. Dần dần, tôi học được cách nhịn nhục.
Tôi không nề hà chuyện làm công việc chân tay dù đến giờ vẫn thấy không phù hợp, chẳng qua tôi ép mình hòa hợp để sống tiếp.
Ba mẹ con đủ khả năng mua nhà nhưng ở thuê ổn định, an toàn hơn. Mỗi tháng tôi trả toàn bộ phí thuê khoảng 2.000 USD; đổi lại nếu phải chuyển nhà hoặc xảy ra chuyện gì, tôi vẫn xoay xở được.
Thanh Thanh Tâm trong trích đoạn 'Tiếng trống Mê Linh'
Mỗi ngày, tôi dậy lúc 5h30 để lo bữa ăn cho 3 mẹ con trong cả ngày dài làm việc. Tôi nấu nướng vừa tiết kiệm vừa đảm bảo dinh dưỡng, nếu không các con sẽ ăn mì gói hoặc thức ăn nhanh.
Ngày nghỉ, tôi tranh thủ dọn dẹp, giặt giũ, đi chợ và sơ chế thực phẩm bỏ tủ lạnh cho cả tuần. Nếu có show, tôi sẽ dành thêm vài tiếng để tự tập hát, diễn.
Tính tôi không se sua, bề nổi từ xưa. Tôi không biết đồ hiệu là gì, không thích đi mua sắm. Tôi mặc chiếc áo 5-6 USD nếu thích, đi chiếc xe bị móp cửa hơn 10 năm vẫn vui vẻ.
Tôi tự làm hầu hết việc, từ sửa sang lặt vặt trong nhà đến thay bánh xe bị hư giữa đường. Ở Mỹ 11 năm, tôi vẫn không rành tiếng Anh nên thường chủ động những tình huống có thể xảy ra.
Đôi lúc tôi thấy mệt mỏi, căng thẳng, chỉ biết tự nhủ "mình làm được" vì không thể làm khác đi điều gì. Hai con và tình yêu dành cho nghề cải lương là nguồn động lực lớn để tôi vượt qua khó khăn.
- Hoạt động nghệ thuật của chị ở Mỹ thế nào?
Tôi hiếm nhận show, có khi 4-5 tháng mới lên sân khấu. Tôi cần tiền nhưng đặt nghề nghiệp lên hàng đầu vì không muốn tiếp tay cho những chương trình gây ảnh hưởng không tốt đến bộ môn.
Ngày xưa, tôi từng yêu cải lương đến mức sẵn sàng chết trên sân khấu; đến nay vẫn yêu nghề nhưng biết chấp nhận thực tế, lựa chọn phù hợp với cuộc sống hiện tại.
Thanh Thanh Tâm được nhận định là cô đào ăn ý, xứng đôi Vũ Linh nhất.
Mấy năm gần đây, lần lượt đồng nghiệp thương quý qua đời như cô Ngọc Đáng, anh Vũ Linh... khiến tôi hụt hẫng, tuột cảm xúc.
Thời gian này tôi đang thử sức với vai trò truyền nghề. Nếu một ngày ca không còn hay, nhan sắc phai tàn, tôi sẽ lui hẳn về hậu trường, không bao giờ cố lên sân khấu.
- Các con của chị hiện ra sao?
Ca Dao (38 tuổi) và Kim Tuyền (25 tuổi) vẫn khỏe mạnh. Riêng cậu con trai vừa học năm 2 chuyên ngành y tá tại một trường đại học địa phương, vừa làm quản lý một trong chuỗi cửa hàng của thương hiệu cà phê, bánh ngọt nổi tiếng ở Mỹ. Con bị gián đoạn việc học 3 năm do tôi dọn nhà về sống ở Houston.
Nhiều người thường nói để con cái tự lập, đừng chăm sóc quá. Tôi lại luôn thấy có lỗi vì không cho các con một mái ấm trọn vẹn, có đủ cha mẹ. Chưa kể, chăm sóc con là hạnh phúc của người mẹ mà.
Hai con cũng rất thương mẹ, nhiều lần kêu tôi nghỉ làm để tụi nó nuôi. Tôi còn sức, không muốn ngồi nhìn các con gồng gánh các khoản phí hàng tháng.
- Chị vẫn một mình sau ngần ấy năm?
Mười năm trước, nhiều người theo đuổi, nói: "Lấy anh đi, anh lo hết cuộc sống, em không phải làm lụng tay chân nữa". Bây giờ vài người đến ngỏ lời, tôi vẫn từ chối để họ khỏi trông đợi. Sau 2 cuộc hôn nhân, tôi không tự tin sẽ có được hạnh phúc nếu lại kết hôn.
Có người lúc chào hỏi tôi rất lịch sự nhưng khi tìm hiểu về các con lại nhận xét này nọ, tôi không bao giờ trả lời tin nhắn nữa.
Tôi không thích tiêu tiền của người khác. Thời sống với ba Ca Dao, tôi vẫn mua đồ yêu thích bằng tiền túi, tiền của anh ấy xài rất dè sẻn. Nhờ tính cách này, không ai có thể dựa vào tiền bạc mà nói nặng, sai khiến tôi.
Trên đời không ai mang tiền đến cho mình mà không đặt điều kiện. Tôi không muốn ở trong mối quan hệ mà mình không có tiếng nói.
- Chị đâu nhất thiết kết hôn, đôi khi người phụ nữ chỉ cần một chỗ dựa tinh thần?
Tôi không tin có người đàn ông nào đến bên mình không vì cái gì. Cuộc sống đang rất tốt đẹp, tôi không muốn thay đổi. Thú thật, tôi khó tính quá, có lẽ không thể tìm thấy một người đúng ý.
Nhiều năm nay, tôi sống quen với việc không cần ai chia sẻ. Nếu có gì vui, tôi chia sẻ với các con, giấu nỗi buồn vào trong rồi từ từ trút nó đi.
Tôi đã thu xếp xong đời mình trong 10 năm tới. Nếu các con lập gia đình vẫn muốn sống với mẹ, tôi ở đây, ngược lại sẽ vào viện dưỡng lão hoặc mua một căn nhà nhỏ sống một mình.
Cuộc sống hiện tại bận rộn quá, đã lâu tôi không có thời gian tụng kinh, đi chùa. Tôi muốn dành những năm cuối đời tụng kinh mỗi khi thức dậy và trước lúc ngủ, sống bằng tiền trợ cấp của Chính phủ và thỉnh thoảng làm một vài công việc vừa sức.
Tôi cũng mua bảo hiểm, nếu ngày mai đau bệnh hoặc không thức dậy nữa, Chính phủ sẽ lo thay vì để các con chịu áp lực tài chính.
- Sao chị có thể nói điều ấy bình thản đến vậy?
Có thể bạn xót tôi nhưng đây là cuộc sống bình thường ở Mỹ. Tôi muốn làm hết bổn phận của người mẹ trước khi sống và làm điều mình muốn. Có lẽ, thỉnh thoảng tôi thấy cô đơn nhưng sẽ ổn thôi.
60 tuổi, tôi đã đi qua cuộc đời dài thăng trầm, có vinh quang có đau đớn. Vì vậy, quãng đường cuối cùng sắp tới bằng phẳng hay gập ghềnh không quan trọng nữa.