Với quan điểm lấy chuyển đổi số (CĐS) là mục tiêu, động lực, một trong những khâu đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển nhanh, thành phố Yên Bái đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số.
Ông Nguyễn Ngọc Trúc - Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết: Bám sát Nghị quyết số 23-NQ/TU, ngày 20/1/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển thành phố Yên Bái giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 27/3/2024 của UBND tỉnh về CĐS tỉnh Yên Bái, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 372/KH-UBND ngày 28/12/2023 về CĐS thành phố năm 2024.
Thành phố đã ban hành 66 chỉ tiêu trên 4 trụ cột là hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy CĐS trên địa bàn đặc biệt là phát triển kinh tế số đối với 584 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã, 1.816 hộ kinh doanh.
Để đạt kết quả cụ thể trên 4 trụ cột, UBND thành phố đã tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp thực hiện mở tài khoản, giải ngân vào tài khoản; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp CĐS trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, như: khuyến khích lắp camera theo dõi, điều hành sản xuất; áp dụng tự động hóa vào một số khâu sản xuất nâng cao hiệu quả điều hành, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Điện lực thành phố triển khai 100% dịch vụ cung cấp điện bằng phương thức điện tử; số hóa hợp đồng mua bán điện, hóa đơn điện tử…; hoạt động đăng ký, cấp mã số vùng trồng được triển khai đồng bộ.
Thành phố đã đưa 30 sản phẩm OCOP của địa phương lên sàn Thương mại điện tử (sctyenbai.com) và website Sở Công Thương (sctyenbai.gov.vn); triển khai Mô hình chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại 8/8 chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái; phối hợp hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP thực hiện truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm nông nghiệp của thành phố.
Chị Nguyễn Thị Hằng, tiểu thương chợ Yên Bái cho biết: "Khi mô hình chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt được thành phố triển khai, ngoài việc được tập huấn, chúng tôi còn được UBND thành phố phối hợp với hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn cử nhân viên hướng dẫn mở tài khoản giao dịch thương mại điện tử, các ứng dụng thanh toán trên nền tảng số để thuận tiện trong việc giao dịch. Qua đó tạo thuận lợi cho người mua, bán không mất nhiều thời gian như việc buôn bán truyền thống trước đây”.
Là khách hàng thường xuyên đi chợ Bến Đò, thành phố Yên Bái, chị Trần Thị Nhung, phường Hồng Hà cho biết: "Trước đây mỗi lần ra chợ tôi phải cầm theo khá nhiều tiền lẻ vì có lúc mua mớ rau hay chút gia vị vài ngàn đồng, đưa tiền to thì người bán hàng không có tiền trả lại, nhiều lúc khá bất tiện. Nhưng bây giờ tất cả đều có thể thực hiện một cách đơn giản bởi giờ hầu hết các tiểu thương đều có tài khoản và mã QR để thanh toán bằng hình thức chuyển khoản”.
Qua triển khai thực hiện, tính đến hết tháng 6/2024, kinh tế số trên địa bàn thành phố đã đạt những kết quả tích cực, tiêu biểu như: tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ tối thiểu đạt 30%; tỷ trọng kinh tế số trong ngành, lĩnh vực đạt bình quân 12%.
Tỷ lệ doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể (hộ tính thuế theo phương pháp kê khai) sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp có thiết bị thanh toán điện tử đạt 99%; tỷ lệ các doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 98%; tỷ lệ hộ kinh doanh bán lẻ có thiết bị thanh toán điện tử đạt 85%.
Tổng số người dân nộp thuế đã cài đặt ứng dụng và nộp thuế điện tử trên ứng dụng eTax Mobile thành công là 3.723 người nộp thuế, với số tiền gần 4 tỷ đồng. Tổng số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử buudien.vn là 30 sản phẩm. Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản mua bán trên sàn thương mại điện tử là 1.515/3.845 hộ, bằng 39,4%...
Doanh thu bưu chính, viễn thông, dịch vụ chyển phát (gồm cả các khoản thu hộ từ kinh doanh qua facebook, zalo, ship cod) đạt 1.372 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 10.045 tỷ đồng, bằng 13,65%.
Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế số phát triển, thời gian tới thành phố Yên Bái tập trung tăng cường tuyên truyền đẩy mạnh CĐS trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh, đặc biệt tập trung CĐS toàn diện trong các cụm công nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp, giới thiệu, cung cấp một số nền tảng, công nghệ phục vụ CĐS doanh nghiệp như: chữ ký số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử.
Lựa chọn và áp dụng các nền tảng số phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp giúp giảm thiểu chi phí và cải thiện hiệu quả hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh. Tổ chức thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã CĐS và lựa chọn xây dựng 1 doanh nghiệp kinh tế số tiêu biểu.