Thông tin từ Sở Tài nguyên & Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh mới đây cho biết: Về định hướng quy hoạch, Thành phố đã tính toán đến các yếu tố hạ tầng đô thị đảm bảo kiểm soát ô nhiễm, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên trong thực hiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và các định hướng phát triển ngành.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 3 Chương trình đột phá và 1 Chương trình trọng điểm phát triển; trong đó, Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030 là một trong 13 đề án, chương trình thuộc Chương trình đột phá phát triển hạ tầng Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu duy trì và nâng chất các chỉ tiêu giai đoạn trước, đảm bảo vệ sinh môi trường và ngăn ngừa kiểm soát ô nhiễm, đồng thời tăng cường cây xanh, mảng xanh, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa tiêu dùng, phát triển giao thông xanh, năng lượng xanh tiến tới xây dựng Thành phố xanh, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, công tác triển khai Luật Bảo vệ môi trường có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và đã đạt được những kết quả bước đầu. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất, thường xuyên trên toàn địa bàn, đa dạng hóa và đổi mới hình thức, tăng cường truyền thông trên nền tảng số.
Từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã rà soát, ghi nhận phát sinh 836 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, đã giải tỏa được 771 điểm ô nhiễm, đạt tỷ lệ 92,22%, đã chuyển hóa được 592 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng như công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao…
Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã triển khai Hội thi công trình sạch, xanh và thân thiện môi trường. Qua 3 năm có 1.825 công trình dự thi cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức, 136 sản phẩm công trình dự thi cấp Thành phố và có 105 sản phẩm đoạt giải. Hiện nay, toàn Thành phố đã và đang duy trì gần 2.000 điểm, công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường. Cùng với đó là chú trọng phối hợp với 33 tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thành phố phát huy vai trò của cộng đồng tôn giáo trong tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ và nhân dân bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương. Từ 2020 đến nay, 163 mô hình bảo vệ môi trường tiêu biểu của các tổ chức tôn giáo được biểu dương.
Công tác bảo vệ môi trường, giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường trong trường học cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh thông qua Chương trình xây dựng Trường học Xanh với bộ tiêu chí đánh giá cụ thể. Đến nay trên địa bàn Thành phố có 293 trường được địa phương đề xuất và 105 trường được khen thưởng, công nhận Trường học Xanh cấp thành phố.
Để đánh giá hiệu quả các chương trình truyền thông, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phân công Viện nghiên cứu phát triển phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra khảo sát đánh giá sơ kết. Kết quả năm 2024 cho thấy đến nay 98,2% hộ gia đình trên địa bàn thành phố được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường, và ứng phó biến đổi khí hậu, 88,8% hộ gia đình áp dụng những hành vi bảo vệ môi trường đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, chưa đạt chỉ tiêu giai đoạn 2020 - 2030 nhưng đã chuyển biến tích cực hơn so với đầu kỳ (năm 2020).
Công tác ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường được chú trọng triển khai gắn với công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, kiểm tra giám sát vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải.
Trong công tác kiểm soát ô nhiễm, Thành phố đặc biệt chú trọng tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và đã phân công cụ thể các Sở ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp với 05 chỉ tiêu giảm phát thải đối với mỗi ngành, lĩnh vực như giao thông, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dân sinh. Bên cạnh đó là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng hợp chất thải rắn theo hướng kinh tế tuần hoàn; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm thân thiện, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu chất thải nhựa.