Hà Nội quyết định phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên sông Hồng và sông Đuống...
Đông Anh, một trong những huyện được Hà Nội trình quy hoạch trở thành thành phố trong thành phố (khu vực phía bắc). Trong ảnh: Nút giao ba tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa và Võ Nguyên Giáp - công trình giao thông biểu tượng của huyện.
Hiện có 3 cây cầu huyết mạch nối Đông Anh với các quận nội thành gồm cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long...
Và cầu Đông Trù (bắc qua sông Đuống) nối quận Long Biên.
Đông Anh có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, ngoài các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 3 chạy qua trung tâm thị trấn còn có nhà ga đường sắt cùng tên, nơi các chuyến tàu đi từ Hà Nội tới một số tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái và Lào Cai.
Đông Anh cũng được đánh giá là có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, một lợi thế quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh tế của Trung ương, thành phố và các địa phương, đơn vị lực lượng vũ trang đã về đây xây dựng để phát triển.
Nhà văn hóa huyện Đông Anh trị giá 300 tỷ đồng có thiết kế mái mô phỏng trống đồng Đông Sơn. Công trình này nằm trên đường Cao Lỗ (đối diện sân vận động Đông Anh) gồm 1 tầng trệt và 4 tầng nổi với tổng diện tích sàn 17.913 m2. Bên trong dự án có đầy đủ các hạng mục như: Khối quản lý hành chính, khu vực sinh hoạt câu lạc bộ và học tập năng khiếu, âm nhạc...
Nằm cách Nhà văn hóa Đông Anh không xa là công trình Nhà thi đấu Đa năng có diện tích khoảng 33ha, tổng mức đầu tư 672 tỷ đồng, sức chứa 2.650 chỗ ngồi, được khởi công từ tháng 10/2020.
Dự án gồm nhiều hạng mục chính như: nhà thi đấu đa năng, cung thể thao dưới nước, bến thuyền, quảng trường trung tâm, các tuyến giao thông kết nối, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Các cụm dân dư, đường xá, công trình nhà ở tiếp tục được nâng cấp, xây dựng hiện đại.
Nói đến Đông Anh không thể không nhắc tới Khu công nghiệp Thăng Long rộng 274ha thuộc địa bàn 4 xã: Kim Chung, Đại Mạch, Võng La, Hải Bối. Nơi đây quy tụ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lên đến trăm triệu USD như Canon, Panasonic, Yamaha,...
Thời gian qua, các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Thăng Long đã đóng góp tích cực vào ngân sách thành phố. Nếu như năm 2019, số nộp ngân sách của các doanh nghiệp đạt 95,6 triệu USD thì đến năm 2021 con số này là 99,2 triệu USD, tạo việc làm cho 60.000 lao động...
Mới đây, tờ trình của UBND TP Hà Nội gửi HĐND về Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 xác định thành phố phía Bắc nằm bên bờ bắc sông Hồng có tổng diện tích 633 km2, quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người. Theo đó, đô thị thông minh sẽ được xây dựng trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài (Võ Nguyên Giáp); quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.
Hà Nội định hướng chức năng thành phố phía Bắc là đô thị cửa ngõ, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; gắn với sân bay Nội Bài. Việc này đòi hỏi sự thống nhất cơ sở hạ tầng của các khu vực nông thôn ngoại thành liền kề với khu nội đô của các thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.
Tờ trình cũng ghi rõ việc quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn phải đảm bảo hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh.