Đầu tư hạ tầng theo tầm nhìn phát triển mới
1 trong 10 dấu ấn nổi bật của Chí Linh trong năm 2022 là việc trở thành đơn vị sớm nhất của tỉnh Hải Dương hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040. Quy hoạch này đã mở ra định hướng rõ nét về tổ chức không gian đô thị và tầm nhìn phát triển mới của Chí Linh.
Theo quy hoạch, không gian phát triển Chí Linh sẽ chia thành 3 vùng: Vùng I (vùng lõi) phát triển du lịch tâm linh sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn di sản văn hóa Khu di tích quốc gia đặc biệt là Côn Sơn - Kiếp Bạc (quy mô 7.510ha); Vùng II (vùng phía bắc Quốc lộ 18) phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với nghỉ dưỡng (quy mô 10.132ha); Vùng III (vùng phía nam Quốc lộ 18) phát triển đô thị mới, dịch vụ thương mại và công nghiệp công nghệ cao (quy mô 10.650,72ha).
Bên cạnh đó, Chí Linh sẽ tập trung phát triển với 4 trụ cột kinh tế bao gồm: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao chất lượng cao, du lịch tâm linh; đô thị xanh, năng động, hiện đại gắn với phát triển dịch vụ tâm linh, sinh thái; công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hiện đại, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Cùng với thu hút đầu tư có chọn lọc, TP. Chí Linh đã và đang phát triển cơ sở hạ tầng với tầm nhìn dài hạn để đáp ứng mục tiêu này. Chính quyền UBND thành phố đã thực hiện đầu tư, quy hoạch hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm như: Công trình cầu Kênh Vàng kết nối Bắc Ninh - Hải Dương vốn dự kiến 1.700 tỷ đồng khởi công cuối năm 2022; tuyến đường nối Chí Linh và Kinh Môn với tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng; tuyến đường kết nối Quốc lộ 37 với đường ven sông thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với quy mô đường cấp II đồng bằng, với 6 làn xe cơ giới, tổng mức đầu tư hơn 2.193 tỷ đồng.
Đáng chú ý là quy hoạch phát triển mới các tuyến đường tránh Tỉnh lộ 398B; đường nối QL18 với đường dẫn cầu Hàn, huyện Nam Sách; đường từ nút giao với QL37 gần khu di tích Côn Sơn đi hướng Tây lên cầu Đồng Việt; đường từ QL37 qua phường Cộng Hòa, Hoàng Tiến sang tỉnh Quảng Ninh; đường đấu nối Tỉnh lộ 398B đi qua xã Hoàng Hoa Thám kết nối với đường 345 tỉnh Quảng Ninh; các tuyến đường ven sông Kinh Thầy, sông Thương...
Trong đó, tuyến Tỉnh lộ 398 nhánh Côn Sơn kết nối QL37 qua chùa Côn Cơn đóng vai trò quan trọng xây dựng TP. Chí Linh trở thành điểm đến trong chuỗi hành trình di sản kết nối các khu du lịch tâm linh của Hải Dương - Bắc Ninh - Bắc Giang - Quảng Ninh. Đây cũng là tuyến giao thông huyết mạch, có vai trò quan trọng trong mở rộng phát triển thương mại - du lịch của Chí Linh.
Thu hút đầu tư mở rộng không gian đô thị
Trong định hướng phát triển không gian đô thị, TP. Chí Linh sẽ được xây dựng phát triển theo các trụ cột kinh tế - xã hội gồm: Thứ nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao chất lượng cao; du lịch tâm linh nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế vốn có của thành phố. Thứ hai là định hướng đô thị xanh, năng động, hiện đại gắn với phát triển dịch vụ sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hiện đại…
Mỗi năm, dân số tự nhiên của Chí Linh tăng khoảng 10.000 người. Bên cạnh đó, khi phát triển các KCN như KCN công nghệ cao Quảng Hưng, mở rộng KCN Cộng Hòa sẽ thu hút thêm hàng vạn chuyên gia, người lao động đến lưu trú. Việc phát triển các KCN làm phát sinh nhu cầu nơi ở cho hàng vạn lao động.
Như vậy việc mở rộng thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị phụ trợ khu công nghiệp, đô thị thương mại dịch vụ hiện đại và đầy đủ tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu ổn định cuộc sống của người dân là rất cần thiết để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của thành phố. Hiện nay Chí Linh đã thu hút được hàng loạt các đơn vị phát triển bất động sản hàng đầu cả nước đầu tư như Vingroup, TNR Holdings Vietnam…
Với sự chuyên nghiệp và bề dày kinh nghiệm, các đơn vị phát triển bất động sản sẽ mang tới Chí Linh những khu đô thị hiện đại với không gian sống, giải trí hiện đại, văn minh. Trong tương lai không xa, người dân địa phương, du khách sẽ được thụ hưởng những giá trị thuận ích trong lòng những khu đô thị tràn đầy sức sống tại TP. Chí Linh.
Doãn Phong