15h ngày 25/12, chị Nông Thị Duyên (trú thành phố Cao Bằng) có mặt tại bộ phận một cửa của thành phố để giải quyết thủ tục về đất đai. Khác với cách làm truyền thống là lật mở bộ hồ sơ giấy hoặc hỏi cán bộ tại bộ phận một cửa, chị Duyên cầm điện thoại quét mã QR Code được treo trên bảng, chọn mã phù hợp để nắm bắt các thủ tục cần thao tác.
Chị Duyên là một trong hàng nghìn người dân thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng thụ hưởng những tiện ích trong việc thực hiện chuyển đổi số tại địa phương. Việc quét mã QR Code để tra cứu thủ tục hành chính đã giúp tiết kiệm thời gian và công sức của người dân và doanh nghiệp. Với ứng dụng này đã tạo được bước chuyển rõ rệt chuyển từ cách làm truyền thống sang môi trường số.
Tác giả của sáng kiến nêu trên là ông Vũ Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND thành phố và anh Lê Kiên Chung – Viên chức biệt phái Văn phòng HĐND & UBND thành phố Cao Bằng.
Anh Lê Kiên Chung chia sẻ: Với đặc thù là địa bàn miền núi, vùng cao, mặc dù chính quyền rất nỗ lực, song thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính nói chung và việc niêm yết công khai thông tin về thủ tục hành chính nói riêng tại TP vẫn còn một số hạn chế nhất định. Tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố là 236 thủ tục hành chính; số thủ tục hành chính thuộc các cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương là 33 thủ tục hành chính…
“Việc niêm yết thông tin thủ tục hành chính vẫn được thực hiện thủ công trên bảng niêm yết hay niêm yết bằng giấy tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả. Mỗi bộ phận một cửa cũng chỉ có một bộ niêm yết, do vậy, nếu cùng lúc có nhiều người muốn tiếp cận thông tin họ phải chờ đợi. Sự bất tiện này không chỉ gây rườm rà, tốn kém cho cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo công khai, cập nhật kịp thời các thông tin mà còn gây lãng phí thời gian công sức của người dân đến làm thủ tục”, anh Chung chia sẻ.
Nói thêm về những bất tiện do niêm yết thủ công, theo lối cũ anh Chung mô tả, việc niêm yết bằng giấy dán lên bảng tin khi tra cứu, phải lật giở khiến giấy tờ dễ bị bong, rách rất phiền toái. Và đặc biệt, không phù hợp với sự tiện ích mà chuyển đổi số mang lại, người dân không cần phải đến tận cơ quan công quyền, chỉ cần ngồi nhà, truy cập vào mạng là có thể làm các thao tác thủ tục cần thiết.
Tuy nhiên việc thay đổi một cách làm đã in hằn vào cuộc sống bao lâu nay không phải ngày một ngày hai là xong. Đặc biệt với một địa bàn vùng cao, miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ người dân không đồng đều.
Tuy nhiên trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, nếu dừng lại hay lừng khừng một chút sẽ mất đi nhiều cơ hội. Trước những đòi hỏi của thực tiễn, UBND thành phố Cao Bằng quyết định cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đã cương quyết, mạnh dạn áp dụng sáng kiến mã phản hồi nhanh (QR Code) trên bảng niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của thành phố.
Đáng chú ý, với sự ra đời của sáng kiến nêu trên, UBND thành phố Cao Bằng đã tiên phong trong toàn tỉnh áp dụng hình thức quét mã QR tra cứu thông tin thủ tục hành chính nhằm truyền cảm hứng cho các địa bàn khác trong tỉnh đẩy mạnh phong trào chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Mọi sự thay đổi đều cần thời gian và sự kiên nhẫn. Với thành phố Cao Bằng cũng vậy, để người dân ủng hộ và không bị bỡ ngỡ, chính quyền đã có những hướng dẫn chi tiết và được thông tin liên tục bằng nhiều hình thức tới từng người dân.
Những nỗ lực này bước đầu đã thành công. Người dân và doanh nghiệp thực sự hưởng lợi từ chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính. Giờ đây, thay vì phải phải đến tận nơi, xếp hàng chờ tới lượt, lật giở từng trang văn bản được niêm yết trên bảng tin như trước đây, họ có thể ngồi ở bất cứ đâu, với vài thao tác là đã giải quyết được yêu cầu của mình.
Chính thức áp dụng từ cuối tháng ba năm nay, với 12 mã QR Code tích hợp 236 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp huyện đã được treo công khai để phục vụ người dân Thành phố Cao Bằng. Chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng, khảo sát của UBND thành phố cho thấy, người dân hào hứng. Việc hào hứng của người dân được minh chứng thông qua hàng trăm lượt truy cập và số lượt truy cập ngày càng tăng cao. Nổi bật trong số đó là các lĩnh vực: Hộ tịch, Chứng thực, Đất đai, xây dựng...
Không chỉ phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, việc ứng dụng mã QR Code còn được thành phố Cao Bằng áp dụng trong việc đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với chính quyền.
Tính đến ngày 15/12, khảo sát gần 1.000 người dân cho thấy có đến 30% người tham gia khảo sát cho biết họ rất hài lòng, trên 66% chọn mức hài lòng với hoạt động của chính quyền. Với kết quả nhận về, thành phố biểu dương những đơn vị, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ và nhắc nhở kịp thời để công chức, viên chức bộ phận một cửa nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân, tổ chức ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh sáng kiến mang tính đột phá giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả, báo cáo chuyển đổi số năm 2023, thành phố Cao Bằng tập trung nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn.
Trong đó, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chuyển đổi số từ hoàn thiện chính sách, quy định; phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, chính quyền số - kinh tế số - xã hội số… Cùng với đó, thành phố triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Về hạ tầng số, 100% cán bộ, công chức, viên chức thành phố và phường, xã được trang bị máy tính, kết nối Internet, sẵn sàng tham gia đăng nhập sử dụng các ứng dụng, phần mềm phục vụ công việc; đảm bảo kết nối an toàn, thông suốt các hệ thống thông tin giữa UBND thành phố và UBND các phường, xã để phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin môi trường mạng. 100% các đơn vị và cá nhân lãnh đạo, người có thẩm quyền sử dụng chữ ký số trong thực thi công vụ.
Đáng chú ý, thành phố duy trì đảm bảo, hoạt động thông suốt các hạ tầng, nền tảng số được triển khai từ tỉnh như: Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thư điện tử công vụ; Hệ thống phần mềm một cửa điện tử; Giám sát an toàn thông tin tỉnh Cao Bằng; Kết nối Cao Bằng.
Trên trụ cột chính quyền số, thành phố Cao Bằng yêu cầu các đơn vị trực thuộc và UBND phường xã thực hiện đảm bảo quy trình, 100% văn bản được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng, sử dụng chữ ký số trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành (trừ văn bản mật theo quy định).
Từ 1/1- 14/11/2023, thành phố tiếp nhận trên 16.000 văn bản đến điện tử, triển khai phát hành hơn 3.500 văn bản đi điện tử (trong đó có đến 97% văn bản ký số). Phần mềm một cửa điện tử VNPT - iGate được triển khai đến 100% phòng chuyên môn thuộc UBND thành phố và UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố ứng dụng trong công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.
Thống kê cho thấy, tại thành phố hiện nay tổng cộng 236 thủ tục hành chính, trong đó 179 thủ tục trực tuyến toàn trình. Kết quả tính đến ngày 15/12/2023 đã tiếp nhận và giải quyết 2.225 hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ đã giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 98%, không có hồ sơ quá hạn.
Với trụ cột kinh tế số và xã hội số, tại thành phố Cao Bằng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 65%; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt trên 71%,; số lượng hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang gần 80%...
Với hạ tầng thuận lợi, thành phố Cao Bằng ứng dụng công nghệ trong thúc đẩy các hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Cụ thể là mang sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart. Thống kê đến tháng 10/2023 có đến 4.237/69.001 số lượng bửu gửi chuyển phát hàng hóa (chiếm tỷ lệ 6,1 %). Việc thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục, y tế, trung tâm mua sắm, tiền điện, nước… đều đạt từ 80% đến 100%.
Để tạo chuyển biến tích cực trong việc chuyển đổi số đến từng người dân, thành phố Cao Bằng trong năm 2023 phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn cho 280 thành viên Tổ chuyển đổi số cộng đồng thuộc 8 phường.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thành phố Cao Bằng cũng nhận diện những khó khăn đang gặp phải trong hành trình thúc đẩy mục tiêu chính quyền số, xã hội số.
Một trong những khó khăn nổi bật mà thành phố đang đối mặt bao gồm: Tổ chuyển đổi số cộng đồng hoạt động chưa hiệu quả do hạn chế về kĩ năng nghiệp vụ; vướng mắc trong kinh phí nên thành phố chưa chuyển đổi hệ thống truyền thành thông minh; bên cạnh đó là những khó khăn trong việc liên thông thủ tục hành chính, phủ sóng internet tại nhà văn hóa, số hóa Sổ hộ tịch…
Đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên thành phố Cao Bằng kiên trì tìm kiếm những giải pháp nhằm thực hiện chuyển đổi số toàn diện, đi vào chiều sâu với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Một trong những nhiệm vụ được UBND thành phố ưu tiên thực hiện bao gồm: Đào tạo tập huấn cụ thể với hình thức trực tiếp hướng dẫn để đảm bảo về kỹ năng nghiệp vụ và đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Tổ chuyển đổi số cộng đồng để kịp thời động viên, khuyến khích các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chủ trương, chỉ đạo về chuyển đổi số;
Cùng với đó, thành phố kiên trì mục tiêu duy trì các nền tảng số phục vụ hoạt động chính quyền số tại thành phố; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số thông qua việc người dân được trang bị đầy đủ kỹ năng số, tham gia vào quá trình phát triển dữ liệu số, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Thành phố tổ chức các hoạt động, thông tin tuyên truyền, hướng dẫn đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực;
Tiếp tục đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố, đặc biệt là đối với các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục… và các hoạt động giao thương, thương mại trong hoạt động thường ngày của người dân.
Cùng với các hoạt động chuyển đổi số, thành phố thực hiện đảm bảo công tác an toàn thông tin mạng trong công tác chuyển đổi số.
Với quyết tâm cao, cách làm quyết liệt, công tác CĐS trên địa bàn thành phố Cao Bằng đã và đang từng bước đem lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Thực hiện: Đoàn Bổng - Anh Dũng
Thiết kế: Vũ Minh Hòa