Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật, Đinh Công Chức (SN 1993), bản Tà Bán, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) về quê nuôi cá lồng, phát triển du lịch, xây dựng quê hương, mang lại thu nhập cao.
Lời toà soạn:
Cùng với sự phát triển của đất nước, đồng bào các dân tộc Việt Nam ngày càng linh hoạt, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Những tấm gương làm kinh tế giỏi không chỉ nâng cao đời sống cho bản thân, gia đình mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược.
VietNamNet ghi nhận những điển hình tiêu biểu, những cá nhân có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo nên diện mạo mới cho các thôn bản.
Đinh Công Chức là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở bản Tà Bán, xã Trung Sơn. Người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào rừng luồng, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, Chức đã nung nấu việc phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.
Học xong cấp 3, Chức thi đậu vào ngành Luật của Trường Đại học Vinh. Cầm tấm bằng trên tay, anh không đi xin việc ở các đơn vị nhà nước hay doanh nghiệp. Thay vào đó, anh quyết định mang tấm bằng về quê lập nghiệp.
“Khi tôi nói sẽ về quê lập nghiệp, bố mẹ rất ngỡ ngàng. Người dân trong bản còn nói tôi ‘hâm’ vì thời điểm ấy những người học đại học như tôi rất hiếm. Họ còn nói tôi về quê thì chỉ có chết đói”, anh Chức kể lại.
Anh Chức nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, mang lại thu nhập cao. Ảnh: CD
Ngày còn là sinh viên, anh nhận thấy vùng quê mình có đường liên xã, liên huyện, lại có vùng lòng hồ thủy điện Trung Dơn rất rộng và đẹp nên muốn về để phát triển kinh tế.
“Ý tưởng là vậy, nhưng khi về quê, từ suy nghĩ đến thực tiễn rất xa vời. Lúc đó tôi như mất phương hướng, không biết phải bắt đầu từ đâu. Hàng ngày, tôi rong ruổi trên chiếc bè mảng đi đánh bắt cá ở lòng hồ thủy điện. Mục đích vừa kiếm cá bán, vừa tìm hướng làm kinh tế từ đây”, Chức chia sẻ.
Năm 2018, Chức lên mạng tìm tòi các mô hình phát triển kinh tế trên lòng hồ. Nhận thấy việc nuôi cá lồng khá phù hợp, anh quyết định chuyển hướng sang nuôi cá lồng.
Ban đầu, anh chặt luồng làm bè (lồng) và nuôi thử cá lăng. Do chưa có kinh nghiệm nên mới nuôi, cá bị dịch bệnh chết hết. Không nản chí, Chức tiếp tục mua giống về thả và tìm tòi các phương pháp chăm sóc.
Sau một năm, lồng cá của anh đã đến kỳ thu hoạch. Với sản lượng hơn 1 tấn cá, trừ chi phí, anh thu về hơn 30 triệu đồng.
Nhận thấy việc nuôi cá lồng mang lại thu nhập cao, Chức tiếp tục đầu tư mua sắt thép về làm 6 lồng kiên cố. Đến nay, thu nhập từ nuôi cá mang về cho gia đình anh khoảng 100 triệu đồng/năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn hướng dẫn người dân trong bản cùng nuôi cá lồng trên lòng hồ.
Ngoài nuôi cá lồng, khu ăn uống cũng mang lại thu nhập thêm cho gia đình anh từ 100-150 triệu đồng. Ảnh: CD
Chưa dừng lại ở đó, chàng thanh niên người Mường còn tận dụng lòng hồ làm khu ẩm thực ngay trên lồng bè. Các món ăn chính từ cá, tôm do chính anh nuôi và đánh bắt trên hồ.
“Ngoài thu nhập từ bán cá lồng, mỗi năm kinh doanh dịch vụ ăn uống mang lại cho gia đình tôi thu nhập thêm từ 100-150 triệu đồng”, anh Chức chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn Ngô Sĩ Tâm cho biết, anh Chức là người đầu tiên phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn, đến nay có hơn 50 hộ nuôi với khoảng 150 ô, lồng.
Theo ông Tâm, với ưu thế dòng nước sạch, thức ăn cho cá chủ yếu là tận dụng sản phẩm từ nông nghiệp như cám, ngô, lá chuối, lá mía nên cá có chất lượng tốt, đầu ra ổn định. Bình quân một hộ nuôi cá lồng thu nhập khoảng 70-100 triệu đồng/năm.
Nghề nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện đang phát huy hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Với mục tiêu phát triển nuôi cá lồng theo hướng hiệu quả, bền vững, năm 2023, xã Trung Sơn thành lập hợp tác xã Cựu chiến binh nuôi cá lồng. Đến nay, đã có 47 hộ tham gia, tổng vốn đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng bằng nguồn vốn của các hộ dân. Sản lượng cá thương phẩm xuất bán hàng năm lên tới gần 60 tấn, ước đạt gần 4 tỷ đồng.
Sau khi làm liều để tạo ra được quả vải thiều hữu cơ đắt giá nhất tỉnh Bắc Giang, lão nông người dân tộc Sán Dìu Trần Văn Hành lại bắt trend 'bán cảm xúc' từ chính đồi cây và thu tiền to.
Có lần gần 2.000 con cá tầm bị chết vì nước đục do lũ, mất hơn 200 triệu đồng, nhưng hai vợ chồng người Nùng ở Hà Quảng không nao núng. Với nguồn nước đầu nguồn “trời cho”, mô hình nuôi cá tầm đã giúp họ thu tiền tỷ.