- Ông cởi trần ngồi trên chiếc ghe cũ kỹ neo dưới gầm cầu Bình Phước (phường An Phú Đông, quận 12, TP.CM). Ông ngồi gần như bất động trong nhiều giờ liền mặc cho trên sông bao nhiêu ghe thuyền qua lại.
Thợ đo nước trên sông |
Chúng tôi gặp ông trên chuyến đi khảo sát trên sông Sài Gòn. Dưới gầm cầu, ông vẫn lặng lẽ ngồi trong nhiều giờ liền bất chấp mọi việc xung quanh đang diễn ra.
Từ dưới sông nhìn lên trên cầu, một thanh niên đang có ý muốn trầm mình. Người thanh niên này trèo qua lan can cầu đưa tay vẫy chúng tôi. Anh lái ghe chạy về hướng có anh thanh niên và nói: "Mình tới gần đó xem lỡ anh ta có nhảy xuống còn vớt kịp".
Nhưng không, người thanh niên trèo ra rồi nhảy vào. Anh đưa tay ra hiệu xin tiền. Một người trên ghe, ra dấu đáp ứng yêu cầu của anh ta. Anh nhanh chóng chạy nhanh xuống cầu...
Người đàn ông này định nhảy cầu nhưng khi nhận được tín hiệu có người cho tiền, anh ta trở vào ngay. |
Chúng tôi quay ghe lại nơi ông vẫn ngồi. Anh thanh niên đã xuống tới bờ đưa tay gọi chúng tôi. Tôi lên ghe ông và những người còn lại chạy đến nơi anh thanh niên đó.
Ông nói với tôi: "Thằng đó nó xin ăn đó. Nó có cách xin riêng không giống bất cứ một người hành khất nào. Ngày nào tôi chẳng gặp nó. Mỗi lần thấy ghe dưới sông là nó làm ra vẻ như muốn tự tử. Người trên ghe ai cũng hoảng hốt ra dấu can ngăn nó.
Nó vẫn trèo ra rồi lại vào, một lát sau nó ra dấu xin tiền. Người nào đồng cảm với nó muốn cho thì nó chạy xuống. Nó chạy nhanh lắm. Từ giữa cầu xuống dưới bờ không phải là gần thế mà chỉ trong tích tắc là nó xuống tới nơi... ".
Nghe ông giải thích tôi mới ngộ ra. Ai cũng có một cách riêng để mưu sinh. Thế nhưng cách của người thanh niên này quá nguy hiểm. Mà chính sự nguy hiểm này mới kích động được thiện tâm của người nhìn thấy...
"Nhưng với ông, ông ngồi đây cũng là để mưu sinh?", tôi hỏi ông.
"Đúng vậy anh à. Tôi là người thợ đo nước".
Ông Nguyễn Văn Lợi, thợ đo nước. |
Ông giải thích, tôi tên Nguyễn Văn Lợi (52 tuổi). Nhà tôi ở xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) cũng ven theo sông Sài Gòn nên tôi mới có chiếc ghe này.
4 năm trước, Viện Khoa học Khí Tượng Thủy Văn và Biến đổi khí hậu (đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP.HCM) thuê tôi ở đây đo nước. Tôi có nhiệm vụ đo nước lên xuống, lấy mẫu nước và các diễn biến của dòng nước nhằm phục vụ cho các yêu cầu về thủy văn và môi trường.
Công việc của ông cũng nhàn nhã. Mỗi lần nước lên hay xuống ông đều lấy mẫu. Theo lời ông, mẫu nước này ông đưa về cơ quan chủ quản để nơi đây đưa đi phân tích.
Qua đó, nhiều lần nhờ mẫu nước này mà cơ quan chức năng phát hiện ra những công ty xí nghiệp xả thải ra môi trường và có biện pháp xử lý.
Thả dụng cụ đo nước xuống đáy sông. |
Câu chuyện tới đây thì tạm dừng. Chiếc ghe đi gặp người thanh niên xin tiền quay trở lại. Người thợ đo nước nhìn người lái ghe nở nụ cười thân thiện và nói: "Hôm nay ba chở khách đi à?".
Ông quay lại nói với tôi: "Ông ấy là nhạc phụ tôi đấy. Cả cuộc đời ông sống trên sông. Ông từng cứu hàng trăm người nhảy cầu Bình Lợi tự tử và vớt hàng trăm xác chết trôi sông...".
Đúng như lời ông Lợi nói, người lái ghe chở chúng tôi đi là ông Ba Chúc. Ông là người đã gắn liền cuộc đời mình với con sông này. Tôi biết ông nhưng không ngờ ông Lợi lại là con rể ông.
Mỗi giờ ông thả dụng cụ đo nước xuống sông 1 lần. |
Ông Lợi tiếp tục công việc. Ông lấy dụng cụ đo nước thả xuống sông. Cánh quạt quay và cứ 45 giây báo tín hiệu lên cho ông.
Ông tiếp nhận và ghi lại những gì đã thu thập được. Nhờ những tín hiệu này những công trường xây dựng trên sông có biện pháp ứng phó với dòng nước.
Ông Lợi cho biết thêm, ca làm việc của ông liên tục suốt 48 giờ. Mỗi giờ ông phải đo nước một lần vì thế có lần ông thoát chết nhờ suốt đêm không ngủ. Ông kể lai, đêm hôm ấy nước xuống thấp.
Dây neo vướng vào chiếc cọc trên sông mà ông không hề hay biết. Đến khi nước lớn chiếc ghe bị trì xuống. Ông lấy làm lạ, tìm nguyên nhân và gỡ dây neo giúp ghe trở lại bình thường. Nếu như ông ngủ, chắc chắc chiếc ghe sẽ bị nhấn chìm và có thể ông sẽ gặp nguy hiểm.
Cuộc sống của ông Lợi cũng quanh quẩn theo dòng sông. Ông làm công việc đo nước chỉ 48 giờ/tháng với mức thù lao 1,5 triệu đồng. Thời gian còn lại, ông phải chăn nuôi và đi lưới cá để có thêm thu nhập.
Chúng tôi tạm biệt ông Lợi trở về. Ông còn phải ở lại đây hơn 30 giờ nữa. Trên sông, những con đò lững lờ trôi. Thỉnh thoảng một vài sa lan cát ngang qua khiến dòng nước chao đảo.
Nhưng dù có chao đảo đến mấy, cuộc sống của những người sống trên sông như ông Ba Chúc, ông Lợi vẫn cứ bình thản trôi đi...
Nữ gác chắn tàu gặp cảnh bất ngờ trong đêm
Vừa vào trạm được một lúc, tôi bỗng phát hiện một gã thanh niên có khuôn mặt hốc hác đứng trước cửa kính. Anh ta cứ nhìn chằm chằm vào tôi và nữ đồng nghiệp.
Món quà cuối cùng của Kim Lân khiến nhà văn Nguyễn Tuân sửng sốt
Những ngày cuối đời của Nguyễn Tuân, nhà văn Kim Lân đạp xe khắp Hà Nội để tìm một nhành phong lan giữa mùa hè năm 1987. Vào viện thấy Nguyễn Tuân đang ngủ, Kim Lân không dám gọi, chỉ nhẹ nhàng đặt hoa phía đầu giường.
Hành động của chủ cơ sở mai táng khiến người phụ nữ bật khóc
Trong hơn 25 năm làm việc thiện, ông Giao đã từng giúp những người vô gia cư, bệnh nhi, sinh viên, nghệ sĩ, lao động nghèo...
Trần Chánh Nghĩa