Trên thế giới có khoảng 140 loài thanh long. Loại trái cây nhiệt đới này ngày càng trở nên phổ biến. Thanh long có hàm lượng calo thấp, giàu chất xơ và chất chống oxy hóa. Quả thanh long có vị ngọt tươi mát giống như sự kết hợp giữa hương vị của quả kiwi và quả lê. Thanh long có thể dùng để chế biến nhiều loại thức uống thanh mát, sinh tố, nước ép, chè, bánh, mứt...
Theo Đông y, quả thanh long có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm. Hoa thanh long có tác dụng bổ phế, trừ ho.
Với hàm lượng chất dinh dưỡng đáng kinh ngạc, thanh long ruột đỏ hay thanh long ruột trắng đều có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
Trong 100g thanh long có chứa 60g calo; 13g carbohydrate; 1,2g chất đạm; 3g chất xơ, giàu vitamin C, B1, B2, B3 và các chất khoáng như sắt, canxi và phốt pho; không chứa chất béo.
Thanh long chứa một số loại chất chống oxy hóa (polyphenol, carotenoid, vitamin C,…). Đây là những hợp chất bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do gây các bệnh mạn tính và lão hóa.
Một nghiên cứu đã so sánh các đặc tính chống oxy hóa của 17 loại trái cây và quả mọng nhiệt đới. Kết quả cho thấy khả năng chống oxy hóa của thanh long không đặc biệt cao nhưng được cho là tốt nhất trong việc bảo vệ một số axit béo khỏi tác hại của các gốc tự do. Carotenoids (beta-carotene và lycopene) trong thanh long có khả năng chống lại tế bào sản sinh ung thư.
Thanh long là nguồn thực phẩm giàu chất xơ. Chất xơ cũng có thể góp phần tăng cường sức khỏe tim mạch, quản lý bệnh tiểu đường type 2 và duy trì trọng lượng cơ thể. Đồng thời, giúp hỗ trợ cải thiện hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón, hội chứng ruột kích thích, bổ sung sắt và ma-giê cho cơ thể.
Nhiều người băn khoăn, ăn thanh long ruột trắng hay thanh long ruột đỏ sẽ tốt hơn? Nhìn chung, cả 2 loại thanh long này chứa rất nhiều dưỡng chất có lợi.
Tuy nhiên, thanh long ruột đỏ vị ngọt hơn, thanh hơn, màu sắc đẹp hơn. Vị ngọt rõ rệt do trong 100g thanh long đỏ có 11,5g đường, trong khi 100g thanh long trắng chứa 7,65g đường. Tuy nhiên, đây vẫn là loại trái cây có lượng đường tương đối thấp.
Trong khi đó, thanh long ruột trắng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc hơn nên người ăn kiêng, giảm cân ưa thích. Người tiểu đường cũng được khuyến cáo nên ăn thanh long trắng hơn là đỏ.
Cần lưu ý, người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn 2 phần thanh long/ngày, mỗi phần khoảng 120g. Những người thường bị lạnh bụng, đi tiêu phân lỏng, đầy bụng, không nên ăn thanh long.
Phụ nữ không nên ăn thanh long trong chu kỳ kinh nguyệt. Thanh long chứa nhiều đạm thực vật, phụ nữ mang thai dễ bị dị ứng nên cân nhắc trước khi ăn.
Không nên ăn quá nhiều thanh long ruột đỏ vì sẽ khiến cho phân và nước tiểu có màu đỏ sẫm, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ
Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3.