Nhà hát lớn sẽ không chỉ là địa chỉ cho những chương trình nghệ thuật 'xô bồ' cứ có nhiều tiền là được vào mà chỉ những chương trình nghệ thuật có chất lượng mới được biểu diễn thường kỳ ở đây.
Đó là nội dung của cuộc họp báo do Bộ VHTT&DL tổ chức sáng 22/8 tại Nhà hát lớn (Hà Nội).
Hòa nhạc Điều còn mãi của VietNamNet là một trong những chương trình đáng chú ý hàng năm biểu diễn tại Nhà hát Lớn. |
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên khẳng định để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên có nhiều cơ hội thể hiện tài năng, sức sáng tạo nghệ thuật, cống hiến nhiều hơn cho khán giả trong không gian văn hóa sang trọng nhất của Thủ đô Hà Nội, tất cả các đơn vị nghệ thuật, nếu có tác phẩm chất lượng cao sẽ được đưa vào diễn thường kỳ tại Nhà hát lớn.
"Việc đưa các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao vào Nhà hát lớn sẽ giúp khán giả yêu nghệ thuật chân chính có nhiều cơ hội được thưởng thức các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, thăm quan Di tích lịch sử cấp quốc gia đã có hơn 100 năm tuổi", ông Vương Duy Biên cho biết.
Cục Nghệ thuật biểu diễn là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ xây dựng kế hoạch biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát lớn Hà Nội. Kế hoạch không chỉ được tổ chức trong những tháng cuối năm 2016 mà còn diễn ra trong những năm tiếp theo. Sẽ kết hợp với các đơn vị lữ hành để đưa du khách về Nhà hát Lớn thưởng thức nghệ thuật.
VietNamNet đặt câu hỏi: Nếu chỉ chọn những tác phẩm sân khấu có chất lượng đưa vào Nhà hát Lớn và Cục nghệ thuật liên hệ phối hợp với các đơn vị Nhà hát thuộc Bộ lên kế hoạch biểu diễn, vô hình chung khán giả hiểu rằng chỉ có Nhà hát lớn mới có tác phẩm chất lượng cao. Vậy thì những tác phẩm khác của các Nhà hát thuộc Bộ và cả các đơn vị xã hội hóa, họ sẽ bán vé thế nào khi mà khán giả nghĩ rằng, tác phẩm ở ngoài không "chất lượng", "phí tiền mua vé"? Các đơn vị xã hội hóa liệu có "cửa" vào Nhà hát Lớn?
Vở Biệt đội báo đen sẽ trình diễn mở màn trong chuỗi tác phẩm chất lượng cao đưa vào Nhà hát Lớn |
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn khẳng định: "Tất cả các đơn vị thuộc Bộ hay xã hội hóa nếu có tác phẩm chất lượng thì đều được vào Nhà hát lớn biểu diễn. Những tác phẩm diễn ở Nhà hát lớn là tác phẩm có chất lượng cao trong số ngân hàng tác phẩm của các đơn vị chứ không phải là tác phẩm của các nhà hát đến đây thì có chất lượng cao, còn lại thì không có chất lượng cao. Chính những tác phẩm đó cũng là tác phẩm mà các đơn vị đó mang đi biểu diễn phục vụ nhân dân chứ không phải là chỉ biểu diễn ở Nhà hát lớn".
Ông Chương cũng cho biết nguồn kinh phí của các doanh nghiệp tài trợ chương trình và nguồn thu từ bán vé đều tập trung về một đầu mố là văn phòng Bộ. Trên cơ sở doanh thu đó, Văn phòng sẽ tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ xem phần nào dành cho Nhà hát lớn, phần nào cho các đơn vị bồi dưỡng nghệ sĩ. Còn doanh thu như thế nào, phân bổ ra sao thì khi diễn ra rồi Bộ mới triển khai.
PGS.TS nghiên cứu về sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ sự ủng hộ Bộ trưởng mới với một cử chỉ mang tính chất chiến lược và tất cả các tác phẩm đỉnh cao tốt đẹp của nghệ thuật Việt Nam nói chung đều được vào đây.
Nhưng bà cũng có một băn khoăn: "Tôi có câu hỏi là ai sẽ trách nhiệm về cái gọi là nghệ thuật đỉnh cao? Bây giờ đỉnh cao hay đỉnh thấp phải có người và người đó không lụy về tiền bạc, chỉ về chất lượng thôi. Bộ Văn hoá nên cung cấp về hội đồng hoặc một số người có trách nhiệm về cái nghệ thuật đỉnh cao đưa vào Nhà hát lớn.
Khách du lịch nước ngoài rất mê nghệ thuật truyền thống Việt Nam, xe xếp hàng dài ở nhà hát Cải Lương, còn người Việt Nam thì thờ ơ đi qua. Sân khấu đang trên bờ vực khủng hoảng, và đây là một cử chỉ cứu sân khấu, đặt nó đúng vào thánh đường, nhưng ai sẽ vào đây, làm như thế nào để vào đây, và đừng để cho người ta phải quan tâm đến chuyện tiền bạc. Tôi hoan nghênh cách làm này, quan trọng là tác phẩm và truyền thông thế nào thôi", bà Thái nói.
T.Lê