Quyết định thành lập khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm nay, ngày 9/6, trên cơ sở xem xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ TT&TT và Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.
Cũng như các khu CNTT tập trung khác trên cả nước, theo quy định tại Điều 4 Nghị định 154 năm 2013 của Chính phủ, Khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ có các chức năng, nhiệm vụ: thực hiện các hoạt động nghiên cứu - phát triển, ứng dụng, chuyển giao về CNTT; sản xuất và kinh doanh sản phẩm CNTT, cung ứng dịch vụ CNTT; đào tạo nhân lực CNTT.
Đồng thời, ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp CNTT; xúc tiến thương mại CNTT; tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm và dịch vụ CNTT; xúc tiến đầu tư trong nước và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động CNTT; cung cấp hạ tầng, dịch vụ và điều kiện cần thiết để các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong khu thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định.
Khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ thuộc địa bàn phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. (Ảnh minh họa: baoxaydung.com.vn) |
Về chính sách ưu đãi và nguồn vốn đầu tư, quyết định thành lập nêu rõ, khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ được áp dụng các chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định 154 năm 2013 của Chính phủ và những chính sách ưu đãi khác áp dụng đối với khu CNTT tập trung theo quy định của pháp luật.
Ngân sách Nhà nước, bao gồm ngân sách của Trung ương và địa phương, hỗ trợ đầu tư, xây dựng hạ tầng khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho UBND thành phố Cần Thơ quyết định thành lập Tổ chức quản lý và ban hành quy chế hoạt động khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ theo quy định của Nghị định 154 năm 2013 của Chính phủ và quy định khác của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, việc này phải bảo đảm nguyên tắc tinh gọn tổ chức bộ máy, không tăng đầu mối quản lý và phát sinh biên chế.
UBND thành phố Cần Thơ được giao trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan tổ chức thực hiện quyết định thành lập khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ, bảo đảm việc đầu tư xây dựng và quản lý vận hành khu CNTT tập trung này hiệu quả và đúng quy định.
Số liệu về tình hình phát triển các khu CNTT tập trung giai đoạn từ 2015 đến 2019, theo Sách trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2020. |
Trước đó, vào cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 2407 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Quy hoạch hướng tới mục tiêu xây dựng một số khu CNTT tập trung ở các tỉnh, thành phố có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, nhất là nguồn vốn để triển khai xây dựng hạ tầng khu CNTT tập trung (từ ngân sách nhà nước địa phương và nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp), đã có các dự án đầu tư, các sản phẩm CNTT lớn. Bên cạnh đó, xây dựng 2 - 3 khu CNTT tập trung tại mỗi thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Cũng tại Quyết định 2407, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tiêu chí khu CNTT theo Nghị định 154 năm 2013 của Chính phủ quy định về khu CNTT tập trung và quan điểm, yêu cầu, mục tiêu của Quy hoạch để chủ động đề xuất công nhận, đề xuất thành lập các khu CNTT tập trung tại địa phương.
Theo Sách trắng CNTT-TT Việt Nam 2020, tính đến cuối năm 2019, cả nước có 4 khu CNTT tập trung được thành lập theo Nghị định 154 năm 2013 của Chính phủ, bao gồm: Công viên phần mềm Quang Trung (TP.HCM), Công viên phần mềm Đà Nẵng, khu CNTT tập trung Cầu Giấy-Hà Nội và Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội. Các khu CNTT tập trung này có tổng số 887 doanh nghiệp hoạt động, với tổng số 42.700 nhân lực CNTT.
Vân Anh
Bổ sung khu CNTT Yên Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý bổ sung khu CNTT tập trung Yên Bình - giai đoạn 1 với quy mô 200 ha vào "Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025".