Mới đây ở thành phố Thanh Hóa, Sở TT&TT tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Hội Tin học Thanh Hóa và Công ty dịch vụ Mobifone Khu vực VI tổ chức hội thảo “Cách mạng Công nghiệp 4.0 và triển khai chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Theo Cổng thanhhoa.gov.vn đưa tin, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu đúng và đầy đủ để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời nêu các giải pháp để tổ chức thực hiện các đề án, kế hoạch của tỉnh trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử, các dịch vụ thành phố thông minh trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Thanh Hóa.

a1-thanh-hoa-hoi-thao-cach-mang-cong-nghiep-4-0-chinh-quyen-dien-tu.jpg

Như chúng ta đã biết cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được mở đầu bằng những đột phá khoa học vào thế giới vĩ mô, hình thành những công nghệ mới như công nghệ nano, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, di truyền, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT)… Điều đó đã và đang làm biến đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị của mỗi quốc gia. Trong thời gian không xa, cuộc cách mạng này sẽ có tác động mạnh mẽ tới đời sống sản xuất của con người, kết nối IoT trở nên phổ biến, nhiều hoạt động sẽ được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo.

Vì thế trong thời gian qua Thanh Hóa đã ban hành nhiều chủ trương để đẩy mạnh ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử, phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, từng bước tiếp cận với các công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đây cũng là hành động để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; và chủ trương của Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Như trong Nghị quyết 36a có nêu rõ chỉ tiêu cơ bản là tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hoá, chuẩn hoá nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Ở Thanh Hóa, những năm qua việc ứng dụng CNTT được đánh giá là đã có tác động tích cực đến quá trình thực hiện cải cách hành chính nhằm bảo đảm việc công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng trong việc tiếp cận thông tin, từng bước cung cấp các dịch vụ hành chính công qua môi trường mạng, góp phần hạn chế các tiêu cực, tăng tính chính xác, kịp thời, tiện ích và hiệu quả trong giao dịch giữa chính quyền với tổ chức và công dân.

Và việc tổ chức hội thảo cũng sẽ là điều kiện quan trọng để tổ chức thực hiện các đề án, kế hoạch của tỉnh trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử, các dịch vụ thành phố thông minh.