Để được công nhận huyện Nông thôn mới nâng cao, mỗi huyện phải có ít nhất 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới thông minh. Do vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn, hướng dẫn các xã triển khai thực hiện tiêu chí xã thông minh.
Đến nay, toàn tỉnh có 3 xã đạt tiêu chí Nông thôn mới thông minh.
Năm 2022, sau khi được công nhận xã NTM kiểu mẫu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn tiếp tục triển khai các giải pháp để ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực để xây dựng xã NTM thông minh, bền vững.
Theo đó, xã đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để Nhân dân đồng thuận và ủng hộ địa phương tiếp tục xây dựng xã NTM thông minh; giao nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện nhằm từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số (CĐS), nhằm hỗ trợ việc quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị của các mặt hàng nông sản, mở rộng giao dịch sản phẩm, hàng hóa trên nền tảng số. Đến nay, Vân Sơn đã huy động được 1,1 tỷ đồng để thực hiện CĐS. Trong quá trình thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu, Vân Sơn đã lựa chọn CĐS làm tiêu chí nổi trội và chọn thôn 8 để xây dựng mô hình thôn thông minh.
Hiện tại trên địa bàn thôn có 100% số hộ dân sử dụng điện thoại thông minh; trên 90% hộ đã lắp mạng internet cáp quang, mạng 3G/4G; 206/206 hộ dân tham gia các nhóm zalo thôn để tương tác, tiếp nhận thông tin của thôn, của xã một cách nhanh chóng, chính xác và thuận tiện. Hệ thống camera an ninh đã phủ khắp thôn, xóm và các điểm sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra các hộ dân đã lắp đặt 87 mắt camera an ninh tại gia đình, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong thôn, xóm. Nhà văn hóa thôn được lắp đặt ti vi màn hình lớn kết nối wifi tốc độ cao phục vụ các hội nghị trực tuyến, tra cứu, nắm bắt thông tin, học hỏi mô hình phát triển kinh tế của người dân. Bên cạnh đó, thôn còn ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều chỉnh bật tắt hệ thống điện chiếu sáng công cộng và hệ thống thông tin, tuyên truyền đến với người dân thay cho hệ thống loa truyền thanh và các văn bản truyền thống... Hiện trên 72% người dân trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu; 100% nhà ở trong thôn được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số... Với kết quả này, năm 2023 thôn 8 đã được công nhận thôn thông minh.
Đến nay, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang, mạng thông tin di động 4G, 5G được phủ sóng đến 100% hộ gia đình trên địa bàn xã Vân Sơn; 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản và thường xuyên sử dụng hòm thư công vụ; lãnh đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Toàn bộ khu vực hành chính xã được lắp đặt hệ thống mạng internet và wifi, giúp cán bộ, công chức truy cập thông tin và thực hiện giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng; 100% văn bản đến, văn bản đi của xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ văn bản mật theo quy định); 100% hồ sơ thủ tục hành chính tại UBND xã được tiếp nhận cập nhật, quản lý và giải quyết trên hệ thống thông tin một cửa điện tử; 100% đường trục thôn, ngõ xóm, điểm công cộng, tập trung đông người, khu dân cư được lắp đặt hệ thống camera an ninh và được kết nối hình ảnh về điểm giám sát tập trung tại công an xã.
Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang, mạng thông tin di động 4G, 5G được phủ sóng đến 100% hộ gia đình trên địa bàn xã Vân Sơn; 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản và thường xuyên sử dụng hòm thư công vụ; lãnh đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Toàn bộ khu vực hành chính xã được lắp đặt hệ thống mạng internet và wifi, giúp cán bộ, công chức truy cập thông tin và thực hiện giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng; 100% văn bản đến, văn bản đi của xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ văn bản mật theo quy định); 100% hồ sơ thủ tục hành chính tại UBND xã được tiếp nhận cập nhật, quản lý và giải quyết trên hệ thống thông tin một cửa điện tử; 100% đường trục thôn, ngõ xóm, điểm công cộng, tập trung đông người, khu dân cư được lắp đặt hệ thống camera an ninh và được kết nối hình ảnh về điểm giám sát tập trung tại công an xã.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của xã đã ứng dụng nền tảng số hỗ trợ chính quyền giao tiếp, tương tác và tiếp nhận các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của công dân. Trong phát triển kinh tế số, toàn xã có 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh; trên 61% người dân trong độ tuổi lao động sử dụng phương thức thanh toán điện tử, dùng ví điện tử để mua hàng hóa, thanh toán các dịch vụ thiết yếu như tiền điện, nước, học phí, viện phí...
Đến thôn 4 – thôn thông minh đầu tiên của xã NTM kiểu mẫu Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa ngoài cảnh quan nông thôn sạch đẹp, ai cũng ấn tượng bởi mức độ số hóa lan tỏa rất nhanh trong cuộc sống của người dân nơi đây.
Theo đó, hệ thống camera an ninh đã phủ khắp thôn, từ trục đường chính đến từng hộ dân. Nhà văn hóa thôn rộng 50m2 được lắp đặt mạng wifi tốc độ cao phục vụ học tập, tra cứu thông tin, học hỏi mô hình làm ăn... Mọi thông tin có thể chuyển tải đến người dân qua nhóm Zalo. Tình hình giao thông, an ninh trật tự trong thôn cán bộ đều nắm được qua hệ thống camera. Đến nay, tỷ lệ sử dụng mạng wifi của các hộ dân đạt hơn 90%.
Được biết, ngay từ khi Thiệu Trung triển khai XD xã NTM nâng cao, thôn mới kiểu mẫu, một số người dân đã gương mẫu đi đầu vận động bà con hiến đất, mở đường, chỉnh trang cảnh quan nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại và văn minh.
Trước đây, khi thông báo về các sự kiện, hội họp, cán bộ thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định thường sử dụng loa truyền thanh hoặc giấy mời. Tuy nhiên, do một số nơi, người dân sống không tập trung nên không nắm bắt thông tin kịp thời. Giờ đây, với ứng dụng zalo, người dân địa phương đã nhận được thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Nhà văn hóa thôn Tân Ngữ 2 cũng được lắp đặt internet tích hợp mạng wifi, truyền hình internet và truyền hình họp trực tuyến; trên 80% người dân trong độ tuổi lao động có điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy vi tính kết nối internet, mạng 3G/4G. Ngoài ra, thôn có hệ thống camera an ninh, và trên 70% hộ dân lắp đặt camera an ninh tại gia đình.
Theo lộ trình, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung đã nỗ lực phấn đấu và hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2023, để hoàn thành mục tiêu đề ra, xã đã chọn thôn Chí Phúc để xây dựng thôn thông minh theo đúng quy định xã NTM kiểu mẫu có ít nhất một mô hình thôn thông minh. Nhận thức đây là mô hình hay, phù hợp xu thế tất yếu của thời đại 4.0, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân...
Xã Hà Sơn đã bắt ngay vào thực hiện, đồng thời đầy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân. Đến nay, thôn Chí Phúc đã được nâng cấp hệ thống hạ tầng mạng, tăng cường việc giao tiếp với người dân thông qua các nhóm zalo, lắp đặt hệ thống camera an ninh, hệ thống truyền hình trực tuyến tại nhà văn hóa thôn...
Nhờ có trang thông tin điện tử và các nhóm zalo chung trên điện thoại nên mọi thông tin chỉ đạo của xã được các thôn cập nhật nhanh chóng, chính xác. Sau đó, thôn sẽ thông báo đến bà con nhân dân qua nhóm zalo, hệ thống loa truyền thanh... để bà con nhân dân nắm bắt và thực hiện kịp thời.
Hiện nay, hầu hết các thôn được chọn xây dựng thôn thông minh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đã thành lập trang thông tin điện tử trên nền tảng mạng xã hội zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện. Cùng với sự hỗ trợ của xã, các thôn đã huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính...
Ngoài ra, các địa phương cũng quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức cho người dân mở tài khoản, thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, khuyến kích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, đẩy mạnh quảng bá, mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Với các kết quả đã đạt được trong hành trình xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, kéo gần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, xây dựng nông thôn Thanh Hóa ngày càng văn minh, hiện đại.