Kết quả bước đầu triển khai mô hình ‘3 không’

Sau 2 tháng triển khai thí điểm mô hình '3 không': Không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công; không dùng tiền mặt trong một số dịch vụ thiết yếu và không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền, các địa phương được chọn thí điểm đều đánh giá cao mô hình bởi tính thiết thực và tiện ích. 

Mô hình '3 không' được lựa chọn, triển khai thực hiện thí điểm tại 5 xã, phường gồm: Điện Biên (TP Thanh Hóa); Quảng Lưu (Quảng Xương); Tây Hồ (Thọ Xuân); Thiệu Trung (Thiệu Hóa) và Nga Liên (Nga Sơn) từ ngày 1/6 đến hết ngày 30/7/2023.

Tại xã Tây Hồ, song hành với việc cài đặt chữ ký số cá nhân, tổ công tác đã hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm mô hình “3 không” trên địa bàn huyện Thọ Xuân, tiến hành kiểm tra, rà soát và tạo lập tài khoản dịch vụ công để công dân được khai thác, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Thanh Hóa thực hiện thí điểm thành công mô hình '3 không' trong chuyển đổi số.

Đến ngày 14/7, trên địa bàn xã Tây Hồ đã tiến hành cài đặt và cấp được 1.189/1.424 chữ ký số cá nhân (đạt 83,5%) của MISA cho những công dân có mặt tại địa phương sử dụng điện thoại thông minh. Triển khai tạo lập tài khoản ngân hàng, cài đặt ví điện tử, VNPT pay, Viettel pay, Mobi Money… cho nhân dân trên địa bàn xã. 

Kết quả, đã có 1.617/2.150 (người từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn xã) được kích hoạt tài khoản thanh toán điện tử, đạt 75,2%; người dân đến giao dịch, thực hiệc các dịch vụ công trực tuyến được cán bộ, công chức “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn tận tình, chu đáo…

Tại xã Thiệu Trung, tổ công tác đã phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân đăng ký tài khoản định danh điện tử VNeID. Đến nay, toàn xã đã cài đặt được 2.293/2.438 tài khoản VNeID, đạt 94% theo kế hoạch huyện giao…

Theo báo cáo của Sở TT&TT, kết quả tại 5 đơn vị thực hiện thí điểm, đối với nội dung chính quyền điện tử đã có 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử; 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức được cấp chứng thư số; 100% văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định); 90% tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến.

Đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp tại 5 đơn vị thực hiện thí điểm, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 80% trở lên; tỷ lệ người dân trên 15 tuổi có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức hợp pháp khác đạt 75% trở lên; tỷ lệ người dân được cấp tài khoản định danh điện tử, chữ ký số điện tử cá nhân, sử dụng nền tảng số trao đổi thông tin với các cơ quan chính quyền, được thông tin, tuyên truyền, tập huấn, đào tạo kỹ năng số cơ bản… đều đạt 80% trở lên.

Vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế

Ông Lê Xuân Lâm, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ thông tin (Sở TT&TT) cho biết, ngoài kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình thực hiện mô hình “3 không”, vẫn còn không ít những khó khăn, hạn chế, vướng mắc cần được khắc phục.

Do là mô hình mới, dù đã được tuyên truyền nhưng nhân dân còn nhiều thắc mắc khiến cho cán bộ phải giải thích nhiều, thời gian cài đặt kéo dài.

Trong quá trình cài đặt ứng dụng chữ ký số cá nhân (VNPT SmartCA) phải nhập rất nhiều trường thông tin, mắc nhiều lỗi kỹ thuật (điện thoại với hệ điều hành IOS phải xác thực xoay tròn thẻ CCCD rất mất thời gian). 

Sẽ nhân rộng mô hình '3 không' trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Có nhiều trường hợp người dân quên mật khẩu icloud của điện thoại nên không tải được các ứng dụng về máy. Có nhiều trường hợp đã nhập trường thông tin đăng ký rồi nhưng mạng bị lỗi hoặc phải quay lại bước đầu để làm thì nhận được thông báo tồn tại yêu cầu mua chứng thư, không tồn tại thông tin tài khoản trên hệ thống…).

Cài đặt ứng dụng bảo vệ người dân trên môi trường mạng (c-m safe) bị hạn chế rất nhiều tính năng hoạt động của điện thoại thông minh…

“Qua công tác giám sát, hỗ trợ các địa phương cài đặt ứng dụng, Sở TT&TT cũng đã ghi nhận những khó khăn, vướng mắc thực tế phát sinh, từ đó tham mưu giải pháp cụ thể đối với từng địa phương, cũng như kiến nghị với đơn vị cung cấp dịch vụ, đảm bảo mục tiêu kết thúc chương trình thí điểm, người dân vẫn sử dụng ứng dụng đã cài đặt một cách hiệu quả và an toàn.

Với những kết quả khả quan bước đầu đạt được, Sở TT&TT sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm và đề xuất nhân rộng mô hình ra địa bàn toàn tỉnh”, ông Lâm cho biết.

Đình Thành và nhóm PV, BTV