Xã vùng cao Quang Chiểu nằm cách trung tâm huyện Mường Lát 24 km về phía Tây Nam, có 24 km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Xã có 4 dân tộc Thái, Mông, Dao, Kinh cùng nhau sinh sống. Sau nhiều nỗ lực, đến nay xã đã có 8/19 tiêu chí NTM, 5/13 bản được công nhận bản đạt chuẩn NTM.
Xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa cũng có xuất phát điểm rất thấp. Điển hình là bản Bút, bắt tay vào xây dựng NTM, bản chỉ đạt 5/14 tiêu chí. Cán bộ bản cùng người dân đã đồng lòng khai thác tiềm năng, thế mạnh của bản để phát triển du lịch cộng đồng. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã vận động người dân tham gia đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn; tham gia vệ sinh môi trường, dọn sạch đường giao thông nội bản; trồng cây xanh dọc các tuyến đường giao thông.
Các mô hình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng được nghiên cứu vừa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và phục vụ phát triển du lịch như, nuôi thủy sản; trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, thu nhập bình quân của bản Bút đã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 5%.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở 150 thôn, bản vùng biên giới của tỉnh Thanh Hóa đang đặt ra nhiều thách thức, cần thẳng thắn nhìn nhận để từng bước tháo gỡ.
Trách nhiệm xây dựng nông thôn mới ở 16 xã khó khăn nhất tỉnh Thanh Hóa vừa là yêu cầu, vừa là nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là sự nghiệp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ.
Vừa qua, qua triển khai thực tiễn, tỉnh Thanh Hóa đã đúc kết, sản xuất chưa phát triển, kinh tế nghèo là nguyên nhân chính khiến nhiệm vụ huy động nguồn lực, xây dựng nông thôn mới ở vùng biên của tỉnh Thanh Hóa chưa được như kế hoạch đặt ra.
Theo tinh thần Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và các mục tiêu của tỉnh, đến năm 2030, Thanh Hóa phải có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Tính đến đầu tháng 8/2022, duy nhất xã Tam Lư (Quan Sơn) đã về đích NTM, 15 xã còn lại đều có số tiêu chí thấp bậc nhất tỉnh, trong đó có tới 14 xã còn dưới 5 tiêu chí.
Tại một hội nghị chuyên đề về XDNTM vùng biên mới được UBND tỉnh tổ chức mới đây, đại diện lãnh đạo nhiều huyện biên giới kêu khó với những mục tiêu được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất.
Trong đánh giá nguyên nhân chủ quan khiến quá trình XDNTM vùng biên còn yếu kém, đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh cho rằng, nhận thức về mục tiêu, quan điểm XDNTM của một bộ phận cán bộ và người dân còn chưa đầy đủ, chưa xác định được vai trò chủ thể của mình trong quá trình triển khai thực hiện. Khắc phục điều này, chắc chắn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, mà nhiệm vụ chủ yếu phải do các huyện đảm trách, có hướng triển khai sáng tạo.
Là vùng khó, nên việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM ở các xã biên giới cũng phải có cơ chế, chính sách đặc thù, cần lồng ghép các chương trình, dự án để tranh thủ các nguồn vốn phát triển hạ tầng và mô hình sản xuất. Ngoài trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương, cấp tỉnh, các địa phương cũng cần có sự chủ động nhất định, linh hoạt trong huy động nguồn đầu tư cho chương trình.
Việc hỗ trợ, giám sát hay đôn đốc thực hiện, không nên coi là nhiệm vụ của riêng Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM và các huyện. Cần giao cho từng sở, ngành phụ trách từng tiêu chí liên quan, như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện các nội dung về giảm nghèo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đôn đốc xây dựng thiết chế văn hóa, xây dựng các phong trào văn hóa, văn nghệ, đời sống tinh thần. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cần sát sao định hướng phát triển các mô hình sản xuất, phát triển thương mại và dịch vụ vùng biên. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế cùng nhiều sở, ngành, đơn vị khác, tùy theo nhiệm vụ chuyên môn, sẽ chỉ đạo các huyện, các xã thực hiện những tiêu chí liên quan đến ngành mình phụ trách.
Xây dựng các mô hình sản xuất để khơi dậy tiềm năng nội tại của các địa phương vùng khó này là nhiệm vụ quan trọng. Trước mắt, mỗi xã nên lựa chọn một số cây trồng, vật nuôi lợi thế để ưu tiên phát triển liên kết vùng, xây dựng sản phẩm OCOP để sản phẩm có cơ hội vươn xa. Thành lập các HTX kiểu mới để đẩy mạnh liên kết sản xuất, phát triển các nghề truyền thống là một gợi ý cần lưu tâm cho các xã biên giới trong thời gian tới. Quan trọng hơn nữa, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, chính các địa phương phải đúc rút được kinh nghiệm từ thực tiễn để điều chỉnh những giải pháp phù hợp với từng xã, từng thôn và từng thời điểm...
Hơn ai hết, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa hiểu rằng, nếu xây dựng nông thôn mới vùng biên thành công, sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện hệ thống hạ tầng, phát huy lợi thế đất đai, khí hậu, khơi dậy tiềm năng phát triển ở các địa phương miền Tây của tỉnh. Các bản làng nông thôn mới này chính là cơ sở để thúc đẩy các dịch vụ, thương mại ở các cửa khẩu Khẹo, Tén Tằn và Na Mèo.
Việc xây dựng nông thôn mới ở đây, không chỉ tạo ra diện mạo mới cho các bản làng miền biên viễn mà còn góp phần bảo đảm quốc phòng – an ninh trên dọc tuyến biên giới của tỉnh.
Minh Yến