Mời quý độc giả theo dõi video:
Kết quả sau 4 năm (từ năm 2021 đến nay) triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã góp phần tạo sinh kế bền vững người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa.
Tỉnh cũng lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, nhằm có nguồn lực mạnh mẽ, thúc đẩy công tác giảm nghèo. Hiện, toàn tỉnh đã triển khai được 320 dự án về phát triển sinh kế, trong đó có 21 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, 299 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng.
Kinh phí thực hiện các dự án hơn 116 tỷ đồng, từ vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ. Các dự án giúp hơn 11.000 hộ được hưởng lợi, trong đó có 5.409 hộ nghèo, 311 hộ người khuyết tật, 4.202 hộ cận nghèo…
Điển hình tại huyện Cẩm Thủy, thực hiện Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến ngày 31/5/2024, UBND huyện đã phê duyệt 11 dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản hỗ trợ cho 188 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ 3,1 tỷ đồng, huy động của các hộ dân tham gia dự án 2,2 tỷ đồng.
Hiện nay, huyện Cẩm Thủy đang tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi trâu sinh sản. Theo đó, huyện chỉ đạo các xã rà soát nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng dự án, trình UBND huyện phê duyệt.
Còn tại Bá Thước, những năm qua huyện đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình sinh kế hiệu quả, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; tạo cho người nghèo có cơ hội bình đẳng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản.
Giai đoạn 2021-2023 huyện được giao thực hiện trên 220 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 120,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 99,5 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng các mô hình giảm nghèo ở các địa phương.
Gia đình anh Bùi Văn Cường (thôn Cả, xã Ban Công, huyện Bá Thước) thuộc diện hộ nghèo. Sau khi được thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia, điều kiện kinh tế của gia đình anh đã được nâng lên.
Từ việc được hỗ trợ cây giống vật nuôi; được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đến nay gia đình anh Cường đã nhân lên được đàn bò 4 con, trồng trọt và chăn nuôi thêm gà. Cuộc sống nhờ đó ổn định, đang dần thoát khỏi hộ nghèo.
Nhờ tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào trồng trọt, đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đang dần thay đổi, chất lượng sống từng bước được nâng cao. Những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Đơn cử như mô hình trồng vải. Cuối năm 2019, người dân xã Nguyệt Ấn trồng thử nghiệm gần 30 ha cây vải không hạt từ Nhật Bản theo quy trình GlobalGAP tại xã Nguyệt Ấn nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên cây vải phát triển tốt, ít sâu bệnh. Sau 3 năm trồng, chăm sóc, cây vải không hạt bắt đầu cho thu hoạch quả.
Gần đây, không chỉ phủ sóng tại các thị trường trong nước, mà vải không hạt của xã Nguyệt Ấn được xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh và Nhật Bản. Thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình này ra toàn xã.
Không thể phủ nhận, với sự quyết tâm triển khai có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tạo dựng được những mô hình sinh kế ổn định, nhờ đó dần nâng cao mức sống, vươn lên xây dựng bản làng ngày càng thịnh vượng.