Năm 1029 danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương ra đời. Theo chiết tự, “Hóa” được hiểu là hoa trong “tinh hoa” - một danh xưng gửi gắm sự đánh giá cao của những bậc vua chúa xưa đối với tiềm năng của vùng đất này.
Trong “Lịch triều hiến chương loại chí” nhà sử học Phan Huy Chú cũng đã dành không ít mỹ từ để ca ngợi về miền đất xứ Thanh:
“Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn quan trọng. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu.”
Năm 1397, Hồ Quý Ly quyết định dời đô từ Thăng Long phồn hoa về xứ Thanh, xây dựng thành nhà Hồ, tiếp tục sự nghiệp Nam tiến của các triều đại trước, mở rộng cương vực lãnh thổ về phía Nam.
Có thể thấy, với vị thế “mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An”, trong suốt lịch sử và ngay cả thời hiện đại, Thanh Hóa vẫn luôn được đánh giá là vùng đất “muốn vị thế có vị thế, muốn tự nhiên có tự nhiên, muốn văn hóa có văn hóa, muốn tiềm lực có tiềm lực”. Chỉ đợi ngày tinh hoa được tỏa sáng.
Thời gian gần đây, cố đô lắng đọng tinh hoa ngàn năm với “tài nguyên” dồi dào để phát triển kinh tế và đặc biệt là du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng đang chuẩn bị viết tiếp những chương huyền thoại mới. “Thanh kỳ khả ái” sắp thăng hoa.
Trong kỳ nghỉ Quốc khánh 2/9 vừa qua, do điều kiện dịch bệnh Covid-19 chị Thu Hương một người con xứ Thanh đã phải ở lại Hà Nội thay vì về quê nghỉ lễ.
Tạm gác nỗi buồn vì phải xa quê suốt kỳ nghỉ hè vừa rồi, chị Hương hào hứng chia sẻ tin vui sắp đến với những chuyến về quê sắp tới. Theo đó, dự kiến vào năm 2022, khi dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 được hoàn thiện, “đường về nhà” của chị sẽ rút ngắn chỉ còn khoảng hơn 1 giờ di chuyển. Con số này của hiện tại là xấp xỉ 3 giờ đồng hồ và của gần 1 thập kỷ trước là ngót nghét nửa ngày. Ví dụ trên là một trong những minh chứng trực quan cho thấy Thanh Hóa đang đứng trước nhiều cơ hội để chuyển mình bứt phá.
Trên thực tế, 6 tháng đầu năm 2021, dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn tích cực đạt 8,66%, cao nhất Bắc Trung Bộ đứng thứ 12 cả nước; thu ngân sách ước đạt 15.878 tỷ đồng.
Thanh Hóa cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 8.990 USD trong đó cơ cấu ngành dịch vụ chiếm đến 30%.
Nằm ở "chóp" của Bắc Trung bộ, Thanh Hóa là cầu nối giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc và miền Trung nơi có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua cùng hạ tầng giao thông liên tiếp được quan tâm nâng cấp gần đây.
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 nối 2 tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng hứa hẹn đem đến cho Thanh Hóa nhiều “tài nguyên” phát triển kinh tế.
Đối với giao thông nội tỉnh, dự án đường giao thông nối TP. Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn đã được hoàn thành tháng 4/2021. Dự án đường nối TP. Thanh Hóa đi sân bay Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư 3.567 tỷ đồng dự kiến đi vào khai thác trong năm 2022 cũng sẽ là các mắt xích quan trọng góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực và liên kết vùng.
Ngoài ra, theo quy hoạch đến năm 2030, sân bay Thọ Xuân sẽ được nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế. Tương lai, dòng ngoại tệ dồi dào đổ về Thanh Hóa sẽ không còn xa, theo chân những đoàn khách quốc tế khám phá xứ Thanh - nơi hiếm hoi trên cả nước có đủ loại địa hình: rừng - biển - núi đồi - thảo nguyên - đồng bằng - sông suối…
Bên cạnh đó, với vị trí thuận lợi; hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện; hệ sinh thái đa dạng, đường bờ biển dài 102km và khoảng 1.535 di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh tầm cỡ, Thanh Hóa đủ sức bật để đưa ngành du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trên quãng đường di chuyển đến biển Hải Tiến, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp biểu ngữ "Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, đại sứ về du lịch" ngắn gọn nhưng đủ thể hiện quyết tâm của chính quyền tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX “xác định phát triển du lịch là 1 trong 6 chương trình trọng tâm”.
Năm 2020, Thanh Hóa vươn lên xếp thứ 4 cả nước về lượng du khách, xếp thứ 10 về doanh thu. Tỉnh cũng hướng đến mục tiêu năm 2025 sẽ đón 16 triệu lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 17,3%/ năm.
Tổng quan những năm qua, với một số hạn chế trong hiệu quả đầu tư, hệ thống đô thị, hạ tầng kinh tế xã hội và ngành dịch vụ chưa đa dạng... kinh tế xứ Thanh vẫn chưa thoát khỏi 2 chữ “tiềm năng”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Thanh Hóa có nhiều cơ hội để biến tiềm năng thành khả năng, hiện thực hóa mục tiêu “cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc” theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kinh tế tăng trưởng tích cực; hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư; du lịch được chú trọng phát triển sẽ là cơ hội cho nhiều ngành dịch vụ tại Thanh kỳ cất cánh, trong đó có Bất động sản - “ngôi sao đang lên” của kinh tế xứ Thanh.
Theo đánh giá của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nửa đầu năm 2021, với việc hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư từ các "ông lớn” như Sun Group, Vingroup, T&T Group hay TNG…, Thanh Hóa nổi lên như một điểm sáng trên thị trường địa ốc phía Bắc.
Thống kê cho thấy giá đất nền tại nhiều khu vực ở Thanh Hoá tăng trung bình khoảng 40 - 60% so với cuối năm 2020. Giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12 - 15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kỳ năm trước.
Giai đoạn cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, hàng loạt dự án bất động sản lớn đã được khởi công xây dựng, tạo sức nóng cho thị trường.
Tháng 10/2020, Sun Group khởi công tổ hợp dự án tỷ đô tổng diện tích 1.260 ha, với điểm nhấn là dự án Sun Grand Boulevard - Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Quảng trường biển tại TP. Sầm Sơn. Đây là mảnh ghép đầu tiên của "siêu dự án" Sun Group tại xứ Thanh, trị giá nhiều tỷ USD. Tổ hợp đánh dấu sự ra mắt của "người khai mở" Sun Group tại Thanh Hóa.
Hệ sinh thái tỷ đô này định hướng tạo ra một chuỗi trung tâm giải trí, kinh doanh thương mại và nghỉ dưỡng chất lượng cao, đưa Sầm Sơn trở thành “thành phố đêm không ngủ”, điểm du lịch cao cấp và sôi động suốt bốn mùa.
Ngay khi vừa ra mắt, 4 phân khu dự án Sun Grand Boulevard đã hết 97% giỏ hàng trong thời gian ngắn, cho thấy sự quan tâm không nhỏ của các nhà đầu tư với BĐS phân khúc cao cấp tại thị trường du lịch trọng điểm Sầm Sơn. Tiếp tục lan tỏa sức nóng trong phân khúc bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng, tháng 9/2021, Sun Property (Thành viên Tập đoàn Sun Group) sắp giới thiệu ra thị trường Sun Riverside Village khu đô thị nghỉ dưỡng đa sắc màu bên dòng sông Đơ.
Với quy mô 29ha, dự án mới sẽ kết nối với các hạng mục khác trong hệ sinh thái Sun Group như quảng trường biển rộng 2ha, dự án khu đô thị Sun Grand Boulevard rộng gần 70ha, tổ hợp giải trí bốn mùa Sun World lớn nhất Bắc Trung Bộ (với 2 phân khu công viên nước và công viên chủ đề)… Tất cả nhằm tạo nên tọa độ du lịch - thương mại và không gian an cư - nghỉ dưỡng đẳng cấp ở phố biển Sầm Sơn.
Không chỉ ở Sầm Sơn và không riêng trong địa hạt bất động sản, Sun Group còn cho thấy tham vọng, tâm huyết đánh thức “Thanh kỳ khả ái” với hàng loạt dự án đa dạng về loại hình như: Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En (huyện Như Thanh) với tổng vốn đầu tư khoảng 4.960 tỷ đồng; đưa xu hướng nghỉ dưỡng mới của thế giới - "wellness" về với Thanh Hóa qua dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, Quảng Xương.
Khi đi vào hoạt động, chuỗi dự án sẽ góp phần cải thiện an sinh xã hội, tăng thu ngân sách, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thúc đẩy du lịch, bất động sản địa phương phát triển. Đây cũng là tinh thần được nhắc đến tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 và Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đã từng góp phần làm thay đổi bộ mặt và vị thế ngành du lịch nhiều địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc và Lào Cai, với hệ sinh thái đang được vun đắp này, Sun Group được kỳ vọng sẽ kích hoạt tiềm lực xứ Thanh.
Chặng đường đưa xứ Thanh trở thành “tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước” với bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch cất cánh sẽ còn trường kỳ với sự góp sức tâm huyết, đầu tư bài bản của khối tư nhân, đặc biệt những “đại bàng quốc tịch Việt”.
…Và từ nay, người ta hoàn toàn có thể chờ ngày không xa Thanh kỳ khả ái “rạng trời rạng đất” trở lại.