Mời quý độc giả theo dõi video:
Thanh hoá có 11 huyện miền núi với nhiều người dân tộc thiểu số như: Mông, Thái, Mường sinh sống.
Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025", Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế ở các địa phương, qua đó, từng bước ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Sau 8 năm thực hiện Đề án, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Thanh Hóa đã giảm đáng kể, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn tồn tại ở một bộ phận các dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Nguyên nhân là do nhiều địa phương còn chưa chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động. Các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhiều nơi chưa bị xử lý nghiêm. Tại vùng biên giới, phong tục hứa hôn hiện đang còn xảy ra.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, nếu như năm 2020 có 125 cặp tảo hôn/6.306 cặp kết hôn, chiếm tỷ lệ 1,98% thì đến cuối năm 2023, số cặp tảo hôn là 101 cặp/6.036 cặp kết hôn, tỷ lệ tảo hôn giảm còn 1,67%. Về hôn nhân cận huyết thống còn 01 cặp diễn ra tại huyện Mường Lát năm 2021. Giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2024, Thanh Hóa có khoảng 425 cặp tảo hôn và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống. Mặc dù có giảm so với giai đoạn trước, nhưng vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành để tiến tới xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống một cách bền vững.
Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2021-2025". Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều hoạt động như: Tổ chức 02 hội nghị tập huấn về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền cho 252 đại biểu là đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên cấp xã thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện của các huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh; tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 1.789 đại biểu là cán bộ thôn bản,
Người có uy tín và người dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn bản có đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú sinh sống; tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành các sản phẩm truyền thông và cấp phát đến 174 xã, 21 thôn bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Quyết liệt bài trừ hủ tục này, Thanh Hoá còn tăng cường truyền thông cho học sinh tại các trường THPT, trường dân tộc nội trú; tổ chức sinh hoạt định kỳ các câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện...
Xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc là nơi tập trung đông của đồng bào dân tộc Mường. Thời gian qua, địa phương đã tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn thông qua đội ngũ người có uy tín, chính quyền thôn…
Bên cạnh cung cấp các tài liệu, sách báo, tờ rơi..., đội ngũ người có uy tín thường xuyên lồng ghép các nội dung này vào buổi sinh hoạt văn hóa, sự kiện của thôn, bản. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm thiểu.
Qua công tác tuyên truyền, đa số người dân đã nhận thức được việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ có tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản… mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về Hôn nhân và Gia đình; tạo được sự đồng thuận trong xã hội cùng chung tay để ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.