Ngày 7/10, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa”.
Phát biểu khai mạc ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích quan trọng, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Thanh Hóa có lộ trình về chuyển đổi số rất rõ ràng, ưu tiên đến những lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước, chuyển đổi từng lĩnh vực trước khi tiến tới chuyển đổi tổng thể, toàn diện.
Chú trọng đến việc tuyên truyền về chuyển đổi số để thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp, thay đổi hành vi, thói quen, chuyển từ các phương thức truyền thống sang phương thức số, môi trường số, làm việc với công nghệ số… góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Liêm, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chính quyền số.
Với 27 đơn vị hành chính cấp huyện, thị, thành phố và 558 xã phường, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành bộ tiêu chí và giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã. Thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 114/558 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành chuyển đổi số cấp xã.
Thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến đứng đầu cả nước với tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99,51%.
Việc trao đổi, xử lý văn bản, hồ sơ trên môi trường mạng giữa các cơ quan, chính quyền, đoàn thể trên 3,3 triệu lượt, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 98%.
Đến hiện tại, toàn tỉnh Thanh Hóa đã kích hoạt thành công gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Rà soát được gần 2,3 triệu mã số thuế cá nhân, đạt tỷ lệ 98,4%; tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 84%; 100% doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn là 615 doanh nghiệp…