Theo số liệu thống kê, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày toàn tỉnh trung bình khoảng 2.774 tấn/ngày; trong đó lượng chất thải ở khu vực nông thôn chiếm trên 75%, tương ứng với gần 2.000 tấn/ngày.
Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 88,5% tổng rác thải sinh hoạt phát sinh. Trong số rác được xử lý, tỷ lệ xử lý bằng công nghệ đốt 29,4%; xử lý bằng biện pháp chôn, lấp 67,9% và tỷ lệ rác được tái chế chỉ chiếm 2,7%.
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 17 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, 26 lò đốt rác được đầu tư từ vốn xã hội hoá và từ ngân sách nhà nước. Nhiều bãi chôn lấp rác xây dựng cách đây nhiều năm với diện tích nhỏ, chưa xử lý rác thải triệt để nên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đưa vào vận hành 2 nhà máy: Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, công suất 120 tấn/ngày tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn và nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công suất 100 tấn/ngày tại xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Lộc).
Tuy nhiên, công tác xử lý rác thải sinh hoạt vẫn còn một số hạn chế, bất cập như khối lượng chất thải rắn phát sinh nhiều, có xu hướng năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tại các huyện còn thấp, nhất là khu vực miền núi; một số bãi rác hiện đã quá tải, tồn đọng nhiều chưa được xử lý gây ô nhiễm môi trường.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2020-2023, ngân sách tỉnh đã bố trí kinh phí 121,073 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó đã hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào đối với Dự án khu xử lý rác thải xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc với kinh phí 2,646 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các huyện trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền 118,427 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt được hỗ trợ kinh phí còn rất ít; việc thực hiện các quy định, chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương cũng chưa đồng bộ, còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn chậm tiến độ so với quyết định phê duyệt, như Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn; Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn; Nhà máy xử lý chất thải rắn xã Quảng Minh, thành phố Sầm Sơn… Nhiều khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động là các bãi chôn lấp, lò đốt quy mô nhỏ, chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường và công trình xử lý chất thải phát sinh nên chưa đáp ứng được điều kiện hỗ trợ theo quy định.
Để tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại trong vấn đề thu gom, xử lý rác thải, tỉnh Thanh Hóa xác định công tác tuyên truyền là yếu tố tiên quyết, quan trọng, phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các tầng lớp nhân dân để từng bước xây dựng ý thức chấp hành pháp luật về môi trường và phòng ngừa ô nhiễm. Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, khuyến khích và đẩy mạnh xã hội hóa bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường và hạn chế phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai thực hiện các quy định về chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn; tăng cường nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng giảm thiểu lượng chất thải rắn chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải; đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình điểm về tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn.