Những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp không ít khó khăn do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn ra khá phức tạp, khó kiểm soát.
Trước thực trạng đó, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu giúp kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Ảnh minh họa: Diệu Bình |
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là phương thức chăn nuôi bao gồm biện pháp tổ chức quản lý và kỹ thuật chăn nuôi thú y bảo đảm cho vật nuôi phát triển bình thường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh chuồng trại, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi.
Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ từ con giống đến thức ăn, nguồn nước; giữ vệ sinh cho vật nuôi và cả người nuôi ở mức độ cao nhất; tiêm các loại vắc-xin theo khuyến cáo của ngành thú y,...
Phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn cho các chủ hộ chăn nuôi về quy trình, kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; cán bộ chuyên môn đến các hộ dân để trực tiếp hướng dẫn thực hiện các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Các chuồng trại chăn nuôi khi thiết kế phải có khu cách ly, mỗi khi nhập vật nuôi mới về phải cách ly ít nhất từ 20 - 30 ngày để bảo đảm an toàn về bệnh dịch sau khi cắt đàn và loại bỏ nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào chuồng trại...
Thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhiều hộ dân đã có cơ hội tiếp cận với phương thức chăn nuôi tiên tiến, áp dụng khoa học - kỹ thuật và nâng cao kiến thức chăn nuôi.
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học mang đến nhiều lợi ích rõ rệt, giảm tỷ lệ dịch bệnh do có những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường,...
Từ đó hạn chế sử dụng kháng sinh, giúp bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao thu nhập cho người nuôi.
Từ hiệu quả về kinh tế và phòng, chống dịch bệnh nên phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ngày càng được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có khoảng hơn 90.000 hộ đang thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Tuy nhiên, phần lớn các hộ chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ, đôi khi chỉ dừng lại ở các mô hình chứ chưa nhân rộng, phát triển với quy mô lớn, tập trung nên việc áp dụng an toàn sinh học còn hạn chế.
Nguyên nhân do mô hình này đòi hỏi các hộ chăn nuôi phải thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh chuồng trại; yêu cầu về con giống bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và an toàn dịch bệnh; thức ăn, nước uống…
Thời gian tới, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cần tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật phục vụ chăn nuôi an toàn sinh học cho người sản xuất.
Diệu Bình